Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trả lời phỏng vấn về Hội nghị Cấp cao ASEAN 37. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Xin Thứ trưởng cho biết công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 đến thời điểm này trên tất cả mọi mặt?
Chuẩn bị cho các kỳ hội nghị thì có nhiều mặt như về công tác tổ chức, lên chương trình nghị sự, thời gian họp cũng như sắp xếp các cuộc họp, chuẩn bị nội dung phát biểu và văn kiện, công tác lễ tân, hậu cần, an ninh và kỹ thuật… Cho đến nay, có thể khẳng định tất cả những khâu chuẩn bị này cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan đã cơ bản được hoàn tất.
Chúng tôi cảm thấy phấn khởi và yên tâm về sự chuẩn bị cho kỳ Hội nghị cấp cao lần này.
Mục tiêu quan trọng nhất của Việt Nam đó chính là nỗ lực để Hội nghị thành công. Hội nghị thành công khi tất cả những gì chúng ta đề ra từ đầu năm đến nay đạt được và thu hoạch được kết quả như những gì chúng ta đã công bố.
Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan là kỳ hội nghị quan trọng nhất trong năm 2020. Thành công của các hội nghị lần này sẽ đánh dấu thành công của cả năm ASEAN 2020. Các kết quả của việc chuẩn bị của cả năm sẽ được thể hiện thông qua Hội nghị lần này.
Cho đến nay, có thể nói tiến độ chuẩn bị thực hiện các sáng kiến của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 cũng như dự kiến các kết quả của năm ASEAN đều đã hoàn tất. Còn lại, việc thể hiện như thế nào tại các hội nghị, thông qua các văn kiện cụ thể đang được thương lượng thì phải đến cuối cùng, trước khi các nhà lãnh đạo họp thì mới rõ ràng.
Vì vậy, chúng tôi đang làm việc rất tích cực để có thể hoàn tất các văn kiện. Nếu hoàn thiện các văn kiện đó thì có thể khẳng định, chúng ta hoàn thành tất cả mọi việc của kỳ Hội nghị cấp cao lần này.
Nhìn lại năm ASEAN 2020, Việt Nam đã nỗ lực vượt khó như thế nào để hoàn thành vai trò Chủ tịch?
Có thể nói, năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đúng vào thời điểm vô cùng khó khăn. Việc bùng nổ dịch Covid-19 là hoàn toàn bất ngờ, làm đảo lộn toàn bộ những gì mà chúng ta chuẩn bị cho năm 2020 trong 2 năm 2018 và 2019.
Câu chuyện làm gì, tập trung vào đâu là một thách thức đối với Việt Nam khi tất cả các nước đang phải đối mặt dịch bệnh và coi đó là ưu tiên trước tiên, bảo vệ sinh mạng của người dân. Lúc này, Việt Nam phải trả lời câu hỏi liệu những mục tiêu lâu dài về xây dựng, phát triển Cộng đồng có còn được theo đuổi nữa hay không.
Từ đó, Việt Nam buộc phải tìm mọi cách thích ứng bằng cách chuyển đổi kế hoạch cũng như đưa ra những kế hoạch để đáp ứng được những gì các nước ASEAN cần nhất.
Vì vậy, Việt Nam đã chuyển ưu tiên sang chống Covid-19. Việt Nam cũng không muốn bỏ qua tất cả những công trình của ASEAN từ trước đến nay cũng như làm đứt đoạn việc xây dựng Cộng đồng, cho nên, Việt Nam tiếp tục đưa ra các sáng kiến để duy trì việc xây dựng Cộng đồng.
Trước những mục tiêu ấy, khối lượng công việc nhiều khi gấp 2 đến 3 lần nhưng may mắn rằng, với những nỗ lực từ đầu năm đến nay, cuối cùng Việt Nam vẫn đạt được mục tiêu đã đề ra.
Nhìn rộng ra, những sáng kiến, đề xuất mà Việt Nam đề ra trong năm 2020 sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc phát triển Cộng đồng ASEAN trong những năm tiếp theo?
Những nỗ lực chung của ASEAN trong thời gian qua giúp cho ASEAN đứng vững trước đại dịch và sớm đi vào phục hồi. Thêm vào đó, những kết quả mà ASEAN đã đạt được vừa là rà soát lại tất cả những gì chúng ta đã làm trong 10 năm qua, vừa là định hướng cho kế hoạch của ASEAN sau năm 2025, bảo đảm cho ASEAN có một định hướng phát triển.
Rõ ràng, càng trong khó khăn thì chúng ta càng phải gắn kết với nhau và trên thực tế chủ đề ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng" rất phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện nay của ASEAN. ASEAN trong năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cho thấy rõ một sự gắn bó hơn rất nhiều.
Các nước ASEAN đã cùng nhau đặt ra các sáng kiến nhằm phối hợp với nhau trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng như những kế hoạch để kết nối về mặt thực tế, triển khai các chương trình kết nối tổng thể của ASEAN.
Hơn nữa, năm nay, trong vai trò Chủ tịch, Việt Nam đã đẩy hợp tác tiểu vùng gắn với các chương trình phát triển cũng như kết nối của ASEAN nhằm tăng thêm sức mạnh chung cũng như đẩy mạnh thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, không để bất cứ một khu vực, quốc gia nào bị tụt lại phía sau.
Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan là kỳ hội nghị quan trọng nhất trong năm ASEAN 2020. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Về khía cạnh hợp tác kinh tế, Thứ trưởng kỳ vọng như thế nào về việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong Hội nghị lần này?
Hiệp định RCEP đã mất nhiều năm để đàm phán, thương lượng, qua đó thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa lớn của RCEP đối với khu vực, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay thế giới chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng.
Việc ký kết Hiệp định RCEP sẽ tạo sức bật, cú hích mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực và giữa các nước tham gia ký kết Hiệp định.
Cho đến nay, với sự hoàn tất của công tác đàm phán, 15 nước tham gia đàm phán RCEP đã bắt tay vào việc chuẩn bị các thủ tục nội bộ để tiến tới ký kết. Đây là kỳ vọng của 15 nước, các nước đều rất mong mỏi có được hiệp định này.
Tôi cũng hy vọng rằng mặc dù thời gian rất gấp, rất ngắn sau khi kết thúc đàm phán nhưng với quyết tâm cao, rất mong các nước có thể đẩy nhanh quy trình để hoàn tất các thủ tục nội bộ để chúng ta có thể ký kết hiệp định vào ngày 15/11 này.
Đề xuất thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và bệnh truyền nhiễm mới, Khung phục hồi toàn diện sau Covid-19 là những kế hoạch quan trọng dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ Hội nghị này, Thứ trưởng có thể chia sẻ sâu hơn?
Cuộc họp làm việc của nhóm Hội đồng điều phối các tình huống khẩn cấp đã thông qua Khung tổng thể phục hồi của ASEAN và kế hoạch thực hiện. Kế hoạch này sẽ được báo cáo lên các Bộ trưởng, khi các bộ trưởng thông qua, kế hoạch này sẽ tiếp tục được trình lên các nhà lãnh đạo ASEAN trong kỳ họp tới. Tôi cũng mong rằng các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thông qua văn kiện này để sớm đưa vào thực hiện.
| Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020: Một hành trình tự hào TGVN. Cho đến nay, có thể khẳng định Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 với những nỗ lực từ ... |
Trong lúc dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc cần thiết là phải có một trung tâm ứng phó với dịch bệnh và các vấn đề y tế khẩn cấp để điều phối các hoạt động cũng như hỗ trợ tất cả các nước trong những tình huống y tế khẩn cấp.
Ý tưởng này đã được đưa ra và Nhật Bản đã sẵn sàng muốn hỗ trợ cho việc thành lập trung tâm. Các nước đã rất tích cực đàm phán để xây dựng dự án tiền khả thi và đang tiếp tục trao đổi về cách thức triển khai. Chắc chắn sẽ mất thêm một thời gian nữa cho công tác này, vì vậy không kịp hoàn thành trước khi diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN 37.
Tuy nhiên, với sự nhất trí cao, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần này, các nhà lãnh đạo vẫn tuyên bố sẽ thành lập Trung tâm ứng phó với dịch bệnh và những vấn đề y tế khẩn cấp.
Cuộc họp làm việc của nhóm Hội đồng điều phối các tình huống khẩn cấp đã thông qua Khung tổng thể phục hồi của ASEAN và kế hoạch thực hiện.
Kế hoạch này sẽ được báo cáo lên các Bộ trưởng, khi các Bộ trưởng thông qua, Kế hoạch này sẽ tiếp tục được trình lên các nhà lãnh đạo ASEAN trong kỳ họp tới.
Tôi cũng mong rằng các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thông qua văn kiện này để sớm đưa vào thực hiện.
Nói một cách khách quan, dịch Covid-19 chia rẽ các nước, trước hết là về mặt vật lý khi các nước đành phải áp dụng các biện pháp để bảo vệ biên giới của mình và ngăn cản việc đi lại.
Về mặt tư tưởng, có thể thấy thường những lúc khó khăn thì mỗi thành viên đều rất dễ suy nghĩ đến những lợi ích riêng và đặt nó lên trên hết.
ASEAN cũng nhận thức được điều đó, những ngăn cách về mặt vật lý có thể không thể khắc phục được ngay, nhưng luôn có ý thức rằng bất cứ khi nào có thể khắc phục thì sẽ đều nỗ lực thực hiện. ASEAN cũng cố gắng không để ý nghĩ vị kỷ nổi lên, luôn bàn nhau sẵn sàng hỗ trợ đối với công dân của ASEAN trong công tác bảo hộ công dân, hồi hương… qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết của ASEAN.
Mỹ có thể sẽ có Tổng thống mới đắc cử, trong khuôn khổ các hội nghị ASEAN với Mỹ lần này có trao đổi về chính sách với Mỹ trong bối cảnh mới hay không, thưa Thứ trưởng?
Về quan hệ ASEAN - Mỹ, quan hệ này đã được thiết lập hơn 40 năm, do vậy, đã có nền tảng rất vững chắc.
ASEAN luôn hoan nghênh Mỹ đóng vai trò quan trọng ở khu vực, có những đóng góp mang tính xây dựng, có trách nhiệm vào các vấn đề chung của khu vực, cũng như định hình trật tự khu vực dựa trên luật lệ, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, nhất là trong thời điểm hiện nay để tạo điều kiện cho các quốc gia phục hồi và phát triển.
Chúng tôi tin rằng, cho dù tổng thống nào của Mỹ cũng sẽ ủng hộ xu thế này trong quan hệ với ASEAN cũng như mong muốn của ASEAN đưa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Mỹ ngày càng phát triển tốt đẹp hơn, vì những lợi ích của cả hai phía.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
| ASEAN 37: Kiểm điểm tiến độ thực hiện các sáng kiến ứng phó Covid-19 TGVN. Ngày 9/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, đã chủ trì Cuộc họp trực tuyến lần thứ 5 Nhóm Công tác liên ngành ... |
| Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020: Một hành trình tự hào TGVN. Cho đến nay, có thể khẳng định Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 với những nỗ lực từ ... |
| ASEAN 37: Hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng chào đón Hội nghị TGVN. Trung tâm Hội nghị Quốc tế - nơi tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị liên quan hiện đã ... |