Năm 2023, Indonesia là nước Chủ tịch ASEAN. Nước này cho biết, ASEAN sẽ thông qua văn kiện về phát triển mạng lưới làng xã tại Hội nghị cấp cao lần thứ 42 (9-11/5). |
Indonesia, Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2023, cho biết Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra từ ngày 9-11/5 tại Labuan Bajo sẽ thông qua văn kiện về “mạng lưới làng” trong khu vực.
Trong thông cáo ngày 30/4, Bộ Ngoại giao Indonesia cho hay: “Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 dự kiến sẽ thông qua một số văn kiện, trong đó có việc phát triển mạng lưới làng ASEAN”.
Tại hội nghị các quan chức cấp cao phụ trách Cộng đồng Văn hóa-xã hội ASEAN (SOCA) lần thứ 34 diễn ra ngày 28/4 vừa qua ở Jakarta, Indonesia đã kêu gọi thúc đẩy phát triển làng xã, cho rằng một mạng lưới trong toàn khu vực nhằm trao đổi kiến thức và thăm dò các cơ hội hợp tác có thể là động lực phát triển các làng xã của ASEAN.
Ông Joko Kusnanto Anggoro, trợ lý của Bộ trưởng Điều phối văn hóa và phát triển con người Indonesia, nhấn mạnh: “ASEAN cần tăng cường năng lực và sự sẵn sàng để duy trì sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực với tư cách là tâm điểm tăng trưởng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. ASEAN cần đảm bảo rằng người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội đều được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này”.
Trước đó vào đầu tháng 2, Bộ trưởng Điều phối văn hóa và phát triển con người Muhadjir Effendy đã gặp Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn tại trụ sở Ban thư ký ASEAN ở Jakarta. Các quan chức đã nhấn mạnh tới trụ cột văn hóa-xã hội của ASEAN, vốn cũng tập trung vào mạng lưới làng xã. Theo ông Muhadjir, việc thiết lập mạng lưới làng ASEAN nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội bao trùm và thịnh vượng hơn trong khu vực.
Indonesia có ít nhất 74.000 ngôi làng, được chia thành 5 cấp độ, gồm có khả năng tự cung tự cấp, phát triển, đang phát triển, chậm phát triển và rất chậm phát triển. Số liệu của chính phủ cho thấy hầu hết các làng ở Indonesia đều ở cấp độ “đang phát triển”, với khoảng 33.892 làng vào năm 2022.
Khái niệm “Làng đang phát triển” đề cập đến những làng có tiềm năng phát triển và có các nguồn lực xã hội, kinh tế và sinh thái, song vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng của mình để thúc đẩy sự thịnh vượng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, cũng như giải quyết vấn đề nghèo đói.