Đây sẽ là hội nghị lần thứ tư các nước thành viên công ước được tổ chức tại châu Phi kể từ khi Công ước CITES có hiệu lực vào 01/7/1975. Hội nghị dự kiến sẽ có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan CITES từ 182 nước thành viên Công ước, cùng đại diện các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã từ các châu lục.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị sẽ do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hà Công Tuấn dẫn đầu.
Tại Hội nghị lần này, các nước thành viên sẽ xem xét 62 đề xuất do 64 nước thành viên và các tổ chức đưa ra, nhằm tăng hoặc giảm kiểm soát về thương mại quốc tế đối với các sản phẩm động thực vật hoang dã. Những đề xuất này sẽ có ảnh hưởng đến gần 500 loài, trong đó có: voi châu Phi, tê giác trắng, sư tử, tê tê, cá mập…, cũng như nhiều loài gỗ hồng, cá sấu, chim, ếch, thằn lằn, rùa, và một số loài động thực vật khác.
Nam Phi dự kiến sẽ đề xuất điều chỉnh quy định đối với việc buôn bán ngựa vằn vùng núi Cape và một số loài tê tê, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng sẽ không đề xuất việc nới lỏng thương mại đối với việc buôn bán sừng tê giác trong bối cảnh Nam Phi hiện là quốc gia có quần thể tê giác chiếm 80% số tê giác hoang dã thế giới. Đây cũng là nơi mà tê giác bị săn bắn và giết hại để lấy sừng cao bậc nhất trên thế giới với 1.215 cá thể tê giác bị giết hại trong năm 2014 và 1.715 cá thể bị giết hại trong năm 2015. Cho tới nay, mới có Swaziland đưa đề xuất ủng hộ việc buôn bán hợp pháp sừng tê giác.
Bên cạnh đó, một số tổ chức phi chính phủ về bảo vệ động vật hoang dã dự kiến sẽ nêu vấn đề buôn bán tiêu thụ ngà voi, sừng tê giác liên quan đến một số nước (Zimbabwe, Mozambique, Nam Phi, Trung Quốc, Việt Nam), trong đó yêu cầu các nước này phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát phòng chống hoạt động buôn bán động vật hoang dã.
Việt Nam tham gia CITES năm 1994 và là thành viên thứ 121/178 quốc gia. Mục đích của Công ước này là nhằm đảm bảo việc buôn bán quốc tế các sản phẩm, các loài động thực vật hoang dã không đe dọa sự sống còn của các loài này trong tự nhiên, và đưa ra nhiều biện pháp để bảo vệ hơn 35.000 loài động thực vật trên thế giới. Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng của VN đã tích cực phối hợp với CITES và các cơ quan hữu quan của các nước trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, đồng thời đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát phòng chống hoạt động buôn bán động vật hoang dã, đóng góp tích cực cho việc triển khai CITES. |