📞

Hội nghị COP28: Sẵn sàng đóng góp cao hơn vào nỗ lực chung toàn cầu

Minh Anh 08:00 | 27/11/2023
Việt Nam mong muốn tại COP28, các quốc gia sẽ công bố kế hoạch thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) ở mức cao hơn, đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính, cũng như tăng cường khả năng thích ứng, sức chống chịu với biến đổi khí hậu.

Đại sứ Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Nguyễn Mạnh Tuấn trả lời phỏng vấn Báo TG&VN nhân dịp Đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP 26 tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. (Nguồn: TTXVN)

COP28 diễn ra tại Expo City Dubai từ ngày 30/11 đến ngày 12/12. Xin Đại sứ cho biết mục đích, ý nghĩa của Hội nghị COP năm nay?

Hội nghị COP28 dự kiến quy tụ hơn 70.000 đại biểu tham dự, bao gồm các nguyên thủ quốc gia, các quan chức chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, đại diện khu vực tư nhân, học giả, chuyên gia, thanh niên và các chủ thể phi nhà nước. UAE cho biết, COP28 sẽ bổ sung thêm chương trình đại biểu khí hậu dành cho giới trẻ lớn nhất từ trước đến nay và các gian trưng bày dành cho người bản địa, với nhiều hoạt động thực chất nhằm tìm kiếm giải pháp bảo vệ 80% đa dạng sinh học của thế giới.

Đặc biệt, tại COP28 năm nay, toàn thế giới sẽ cùng nhau đánh giá các thành quả đạt được dựa trên bản Đánh giá toàn cầu (Global Stocktake) lần đầu tiên được công bố tại hội nghị ở UAE.

Chọn chủ đề “Gắn kết - hành động - hiệu quả”, những nội dung đáng chú ý nào sẽ được thảo luận tại Hội nghị COP28?

Tại COP28, chủ nhà UAE xây dựng bản kế hoạch hành động chi tiết, dựa trên kết quả của rất nhiều cuộc thảo luận, trao đổi và lấy ý kiến của chính phủ các nước và các bên liên quan.

COP28 tập trung vào bốn trụ cột gồm: Theo dõi sát sao quá trình chuyển đổi năng lượng; xử lý vấn đề tài chính khí hậu; thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân; tăng cường bao quát mọi mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Trọng tâm của kế hoạch hành động này là hướng tới đạt mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C được ghi trong Thỏa thuận Paris.

Trước hết, các quốc gia cần nỗ lực để tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo, tăng gấp đôi hiệu suất năng lượng và sản lượng hydro lên 180 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030.

Bước tiếp theo là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp khó giảm thiểu lượng khí thải phát ra, đồng thời, cần tiến hành các cuộc đối thoại quan trọng với các tổ chức đa quốc gia.

Theo đó, đầu tiên, chính phủ các quốc gia cần thực hiện chuyển đổi toàn diện tài chính khí hậu thay vì cải cách từng phần. Cần tập trung đặc biệt vào việc hỗ trợ sự phát triển tích cực, hài hòa với điều kiện khí hậu trên khắp Nam bán cầu, nhằm bảo đảm cho các quốc gia đang phát triển tiếp cận với nguồn tài chính khí hậu sẵn có với mức giá phải chăng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

UAE - nước chủ nhà của COP28, đã làm việc với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và Liên minh tài chính Glasgow hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 (GFANZ) để khai mở thị trường vốn, tiêu chuẩn hóa thị trường carbon tự nguyện và khuyến khích cấp vốn từ nguồn tài chính tư nhân.

Thứ hai, các nhà tài trợ cần tăng gấp đôi nguồn tài trợ cho thích ứng vào năm 2025 cho các nước nghèo để tôn trọng các cam kết của họ với các mục tiêu giảm khí thải carbon và hoàn tất khoản cam kết 100 tỷ USD trong năm nay.

Thứ ba, lấy cuộc sống và sinh kế người dân làm trọng tâm. Chính phủ các nước cần tập trung vào các trụ cột là bảo vệ thiên nhiên, bảo đảm lương thực, sức khỏe và khả năng phục hồi để đạt được các Mục tiêu toàn cầu về thích ứng với khí hậu.

Thứ tư, các chính phủ cần tích hợp các kế hoạch Chuyển đổi hệ thống lương thực quốc gia vào Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) và kế hoạch thích ứng quốc gia của họ, đồng thời tham gia vào cuộc họp cấp bộ trưởng về khí hậu - sức khỏe người dân lần đầu tiên tại COP28. UAE đồng tổ chức sự kiện này với WHO, Đức, Kenya, Vương quốc Anh, Ai Cập, Brazil và Fiji.

Thứ năm, phá bỏ rào cản giữa các ngành năng lượng truyền thống và năng lượng mới, khởi động đối thoại tích hợp giữa các cơ quan, tổ chức năng lượng IEA, UNFCCC và IRENA, nơi các quốc gia thành viên cùng thỏa thuận và đề ra các hành động cụ thể nhằm theo dõi sát sao quá trình chuyển đổi năng lượng.

Hội nghị COP28 được tổ chức tại Dubai, UAE từ ngày 30/11-12/12.

Xin Đại sứ cho biết những đóng góp và cam kết của Việt Nam qua các Hội nghị COP gần đây?

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một trong năm nước chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu.

Ngay sau Hội nghị COP26, COP27, Việt Nam đã triển khai các công việc liên quan để thực hiện các cam kết, trong đó Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2022 và các cam kết tại COP26, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030; thực hiện Quy hoạch điện VIII…

Việt Nam đã tham gia Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng “0” do Nhật Bản khởi xướng và hợp tác với nhiều đối tác quốc tế để triển khai các cam kết của của Việt Nam như Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Bộ Môi trường Hàn Quốc, Bộ Môi trường Nhật Bản, Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Liên minh Năng lượng vì hành tinh và con người (GEAPP), Cơ quan dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) cùng Quỹ Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP), các ngân hàng: Citi Bank, HSBC, Standard Chartered…

Quyết liệt triển khai các công việc liên quan để thực hiện các cam kết, việc Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự COP28 có ý nghĩa như thế nào, thưa Đại sứ?

Việc Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự COP28 có ý nghĩa lớn, chuyển tải nhiều thông điệp quan trọng của Đảng và Nhà nước ta đến bạn bè quốc tế.

Đầu tiên là tái khẳng định chủ trương của Đảng ta về đối ngoại, đặc biệt là về biến đổi khí hậu. Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẵn sàng tham gia hợp tác cùng các thành viên LHQ trong ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có chống biến đổi khí hậu;

Hai là, khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam với UAE, nước chủ nhà của COP28, một đối tác mới đầy tiềm năng trong lĩnh vực này.

Tại COP28 năm nay, Việt Nam sẽ có gian triển lãm để giới thiệu về công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu tại nước ta. Trong khuôn khổ Hội nghị cũng sẽ diễn ra: Lễ ra mắt Kế hoạch huy động nguồn lực chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam, các hoạt động giới thiệu về nỗ lực giảm nhẹ, thích ứng, tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian qua.

Việt Nam mong muốn tại COP28, các quốc gia sẽ công bố kế hoạch thực hiện NDC ở mức cao hơn, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng thích ứng, sức chống chịu với biến đổi khí hậu.

Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn.

UAE thời gian qua đã có rất nhiều nỗ lực để chuẩn bị cho COP28. Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò của nước chủ nhà?

UAE coi đây là sự kiện đối ngoại lớn nhất trong năm 2023.

Với tư cách chủ nhà, UAE rất kỳ vọng COP28 thành công, không chỉ về công tác tổ chức mà đặc biệt là các kết quả, cụ thể là: đạt thống nhất về “Đánh giá toàn cầu” lần đầu tiên được công bố tại COP28; Tìm kiếm một thỏa thuận cho Quỹ tổn thất và thiệt hại (Loss and Damage); Đạt thỏa thuận tích cực về lộ trình cắt giảm nhiên liệu hoá thạch để đảm bảo mục tiêu Net Zero; Đạt thoả thuận về biện pháp tài chính giúp các nước Nam bán cầu ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu ko vượt quá 1,5 độ C; Cuối cùng, chứng minh xung đột Hamas - Israel không ảnh hưởng đến việc tổ chức và kết quả của COP28, từ đó khẳng định năng lực, vị thế và vai trò của UAE.

Mới đây, UAE công bố đã hoàn thành việc vận động để các nước phát triển ủng hộ đủ 100 tỷ USD cho mục tiêu tài chính khí hậu.

UAE là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Đại sứ đánh giá thế nào về không gian hợp tác giữa hai quốc gia trong thời gian tới, những ưu tiên thúc đẩy hợp tác, trong đó có chống biến đối khí hậu?

Quan hệ Việt Nam-UAE đã được vun đắp trong 30 năm qua cả về lượng lẫn về chất. Lãnh đạo hai nước đồng quan điểm hợp tác, phát triển quan hệ toàn diện, nhất là về kinh tế. Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác hữu nghị đã có bước phát triển nhanh hướng tới thực chất, hiệu quả. Triển vọng hợp tác hai nước là rất lớn.

Hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng và là điểm sáng trong bức tranh tổng thể quan hệ hợp tác song phương. Hai nước đang đẩy nhanh đàm phán, hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA). Việc ký hiệp định CEPA có ý nghĩa to lớn, là cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-UAE nói chung và hợp tác kinh tế thương mại đầu tư nói riêng.

UAE là trung tâm thương mại, đầu tư, tài chính, năng lượng quốc tế. Việt Nam là nước sản xuất hàng hóa lớn, nông hải sản phong phú, đáp ứng yêu cầu của bạn. Hai nền kinh tế có tiềm năng, năng lực bổ sung và hỗ trợ cho nhau, vì lợi ích chung của hai nước. Trong đó, chống biến đổi khí hậu là lĩnh vực hợp tác mới đầy triển vọng.

(thực hiện)