Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 đã ra tuyên bố chung, trong đó có phản ứng về các vấn đề liên quan Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. (Nguồn: Reuters) |
Tuyên bố chung của Ngoại trưởng G7 nêu rõ: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc rằng kiểu thái độ tiêu cực vô trách nhiệm và mang tính phá hoại của Nga đang tiếp diễn".
Theo đó, thái độ này bao gồm "hoạt động tăng cường các lực lượng quân sự trên quy mô lớn của Nga tại các khu vực biên giới với Ukraine và ở Crimea bị sáp nhập phi pháp, những hoạt động thâm độc của họ nhằm phá hoại hệ thống dân chủ của các quốc gia khác, hoạt động mạng mang tính hiểm độc của họ, cũng như hành vi sử dụng thủ đoạn tung tin giả”.
Tuyên bố cũng khẳng định ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của kraine, kêu gọi Nga thực hiện những biện pháp giảm leo thang ở biên giới với Ukraine và ở Crimea cũng như tuân thủ các nguyên tắc và cam kết của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu  (OSCE) để đảm bảo tính minh bạch trong các hành động của Moscow.
Bên cạnh đó, các ngoại trưởng G7 khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường năng lực tập thể và năng lực của các đối tác "để xử lý và ngăn chặn thái độ của Nga, vốn đang đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, bao gồm các lĩnh vực an ninh mạng và tin giả”.
Trong khi đó, liên quan đến Trung Quốc, các Ngoại trưởng G7 khẳng định ủng hộ Đài Loan tham gia các diễn đàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Đại hội đồng Y tế thế giới, đồng thời bày tỏ quan ngại đối với “mọi hành động đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng” ở Eo biển Đài Loan.
Các nước G7 cũng kêu gọi Trung Quốc thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm kinh tế tương xứng với vai trò kinh tế toàn cầu, đồng thời bày tỏ quan ngại về những hành động làm xói mòn các hệ thống kinh tế tự do và công bằng, trong đó có thương mại, đầu tư và tài chính phát triển”.
Tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ cùng phối hợp để đẩy mạnh sự phục hồi kinh tế bất chấp những chính sách và hoạt động kinh tế độc đoán, cưỡng ép".
Về tình hình Triều Tiên, Ngoại trưởng Nhóm G7 yêu cầu Bình Nhưỡng quay trở lại đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này cũng như tham gia vào tiến trình đối thoại liên Triều.
Bên cạnh đó, ngoại trưởng các nước G7 cũng bày tỏ sự ủng hộ dành cho những nỗ lực của Mỹ nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp ngoại giao.