📞

Hội nghị Ngoại trưởng G7: Trở lại vì mục tiêu chung

Minh Quân 07:00 | 07/05/2021
Hội nghị Ngoại trưởng G7 đánh dấu sự trở lại của ngoại giao trực tiếp và các mối quan hệ đối tác truyền thống để giải quyết thách thức chung.

Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra từ ngày 3-5/5 tại London (Anh) với khách mời là đại diện của Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi và Brunei, nước Chủ tịch ASEAN trong năm 2021.

Sự trở lại ngoạn mục

Đầu tiên, Hội nghị Ngoại trưởng G7 tổ chức tại thủ đô nước Anh đã đánh dấu sự trở lại của ngoại giao trực tiếp sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch toàn cầu Covid-19.

Ngoại trưởng nước chủ nhà Dominic Raab nhận định Hội nghị cho thấy “ngoại giao đã trở lại” và là cơ hội để các quốc gia cùng nhau giải quyết những vấn đề quốc tế. Theo ông, Hội nghị phản ánh tầm quan trọng của một diễn đàn, nơi các quốc gia phát triển có thể ngồi lại cùng nhau trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoàng toàn cầu chưa từng có.

Ngoại trưởng các nước G7 tham dự Hội nghị trực tiếp đầu tiên sau 2 năm. (Nguồn: PA)

Thứ hai, Hội nghị chứng kiến sự trở lại và cách tiếp cận năng động hơn của ngoại giao Mỹ dưới thời ông Joe Biden. Chẳng còn không khí hoài nghi trước mỗi sự kiện quốc tế, G7 giờ đây cho thấy thay đổi tích cực với xu hướng hợp tác rõ nét hơn, bất chấp đại dịch Covid-19 toàn cầu.

Gặp gỡ Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson và người đồng cấp Dominic Raab, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định Mỹ không có đồng minh và đối tác nào khác thân cận hơn Anh.

Cùng người đứng đầu ngành ngoại giao các quốc gia G7, ông đã thảo luận về hàng loạt thách thức địa chính trị cấp bách từ Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Myanmar, cho tới thách thức an ninh phi truyền thống toàn cầu như cung cấp vaccine Covid-19 hay chống biến đổi khí hậu.

Thứ ba, Hội nghị Ngoại trưởng G7 cho thấy sự hàn gắn trong các mối quan hệ gần gũi một thuở. Giờ đây, các nước châu Âu không còn phải lo về những yêu cầu gay gắt của Mỹ như kêu đóng góp ngân sách cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), từ bỏ cơ sở hạ tầng mạng 5G của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) hay bù đắp thặng dư thương mại với Washington.

Đáng chú ý, bên lề Hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu và người đồng cấp Hàn Quốc Chung Eui-yong đã gặp lần đầu tiên kể từ tháng 2/2020. Quan hệ song phương gặp nhiều trắc trở sau tranh cãi xung quanh Sách Xanh Nhật Bản năm 2021, nước thải nhà máy điện hạt nhân Fukushima, lệnh hạn chế xuất khẩu nguyên liệu sản xuất cho ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản, xa hơn là “phụ nữ mua vui”, sách giáo khoa lịch sử “sai sự thật”.

Vì thế, việc hai quan chức ngoại giao hàng đầu của Tokyo và Seoul có thể ngồi lại bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G7 để đối thoại rõ ràng là bước tiến đáng khích lệ, mở ra cơ hội cải thiện quan hệ Nhật-Hàn.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7 đánh dấu sự trở lại của ngoại giao trực tiếp và các mối quan hệ đối tác truyền thống để giải quyết thách thức chung

Chung tay giải quyết thách thức

Thứ tư, tất cả điều trên đều hướng tới tạo đồng thuận giữa các thành viên G7 nói riêng, phương Tây nói chung trong giải quyết cá thách thức địa chính trị và an ninh phi truyền thống nổi trội.

Vậy những thách thức đó là gì?

Thách thức địa chính trị đầu tiên được các thành viên G7, đặc biệt là Mỹ, đề cập và thảo luận chi tiết trong Hội nghị Ngoại trưởng vừa qua đến từ Trung Quốc.

Theo Ngoại trưởng Antony Blinken, Mỹ xác định cạnh tranh với Trung Quốc là thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất của chính quyền ông Joe Biden. Trong khi đó, người đồng cấp chủ nhà Dominic Raab cho rằng Trung Quốc nên tự vấn vì sao quan điểm tiêu cực về nước này lại tăng.

G7 nhấn mạnh sẽ thúc đẩy nỗ lực tập thể ngăn chặn “chính sách kinh tế cưỡng ép” của Trung Quốc, ủng hộ Đài Loan (Trung Quốc) tham gia diễn đàn quốc tế, đồng thời quan ngại về “hành động đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng” ở Eo biển Đài Loan và trên Biển Đông.

Mặt khác, Ngoại trưởng Blinken cho rằng Mỹ hướng tới bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ chung tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chứ không chỉ nhắm vào Trung Quốc. Tương tự, Ngoại trưởng Dominic Raab khẳng định các quốc gia G7 đã cố gắng tìm kiếm “cách tiếp cận tích cực và thận trọng” với quốc gia châu Á.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) và người đồng cấp nước chủ nhà Dominic Raab trong một cuộc họp tại Hội nghị Ngoại trưởng G7. (Nguồn: AFP)

Một thách thức địa chính trị khác được đề cập nhiều tại G7 là Nga. Thông cáo chung đã chỉ trích việc Nga điều quân tới biên giới với Ukraine, xây dựng mạng lưới tình báo ở châu Âu, tiến hành tấn công mạng và phát tán thông tin sai lệch đề “phá hoại hệ thống dân chủ”.

Các nước G7 bày tỏ sự ủng hộ với Kiev, song không đề cập chi tiết về triển vọng đưa nước này gia nhập NATO.

Về Triều Tiên, hội đàm bên lề ngày 5/5, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu , Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui Yong đã nhất trí thúc đẩy Triều Tiên tuân thủ nghĩa vụ theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chương trình hạt nhân. Vấn đề Myanmar, Iran, Syria hay Ethiopia cũng được các Ngoại trưởng chia sẻ và thảo luận.

Điểm khác biệt trong Hội nghị Ngoại trưởng G7 này so với năm trước là thảo luận dành cho các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là dịch Covid-19 và chống biến đổi khí hậu.

Các Ngoại trưởng G7 đã cam kết sẽ mở rộng quá trình sản xuất vaccine Covid-19 với mức giá chấp nhận được. Quá trình này bao gồm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các công ty, khuyến khích trao đổi công nghệ và tự thông tin liên quan. Đồng thời, Ngoại trưởng G7 nhất trí mở rộng, tăng cường cơ chế phản ứng nhanh chống lại các mối đe dọa như tin giả.

Điểm khác biệt trong Hội nghị Ngoại trưởng G7 này so với năm trước là trọng tâm thảo luận dành cho các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là dịch Covid-19 và chống biến đổi khí hậu.

Về chuyện chống biến đổi khí hậu, các Ngoại trưởng G7 khẳng định việc giải quyết những thách thức toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19 và tránh kịch bản tương tự là trách nhiệm của mọi quốc gia,có cả Trung Quốc.

Các động thái của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden như bổ nhiệm đặc phái viên, thành lập bộ phận chuyên trách về chống biến đổi khí hậu, đưa Washington trở lại Hiệp định Paris và tổ chức Thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu đã tạo động lực mới cho các quốc gia khác trong giải quyết thách thức an ninh phi truyền thống này.

Trong lúc G7 đang diễn ra, Thủ tướng Angela Merkel ngày 4/5 cho biết chính phủ sẽ siết chặt luật bảo vệ khí hậu. Cùng ngày, Hạ viện Pháp thông qua dự luật “Khí hậu và khả năng phục hồi”, hướng tới thay đổi thói quen tiêu dùng, phương thức sản xuất, làm việc, di chuyển, ăn uống và tăng cường tư pháp bảo vệ môi trường.

Hội nghị Ngoại trưởng G7 đã phần nào nhen nhóm tinh thần đối thoại, hợp tác sau năm 2020 ảm đạm vì dịch Covid-19 và các chính sách đơn phương. Song liệu đồng thuận về tinh thần ấy có được chuyển hóa thành hành động? Chỉ Thượng đỉnh lãnh đạo G7 mới có câu trả lời.