Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN tại phiên khai mạc Hội nghị. (Nguồn: Reuters) |
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu như vậy trong phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ngày 15/2 tại Sunnylands, bang California, Mỹ.
Quan hệ toàn diện
Chương trình chính của Hội nghị gồm 3 phần: Phần thứ nhất là phiên họp về các vấn đề kinh tế. Hai bên sẽ thảo luận về biện pháp Mỹ và ASEAN tăng cường thương mại và đầu tư, trao đổi ý tưởng về cải cách luật pháp để thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào 1/1/2016.
ASEAN hiện chiếm vị trí đặc biệt quan trọng đối với các công ty Mỹ. Thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương năm 2014 là 254 tỷ USD, ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Mỹ. FDI của Mỹ vào ASEAN cũng đạt 226 tỷ USD (2014), đưa Mỹ vào nhóm các nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN.
Đồng thời, hai bên thảo luận về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với bốn nước ASEAN là thành viên của TPP, ba thành viên đang muốn tham gia TPP là Indonesia, Malaysia, Thái Lan và 3 thành viên chưa thể tham gia vì chưa phải là thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) là Lào, Campuchia và Myanmar.
Phần thứ hai, Mỹ và ASEAN chia sẻ quan điểm về mở rộng chiến lược phát triển. Tổng Thống Obama sẽ khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực và nhấn mạnh vai trò quan trọng của nền quản trị tốt, pháp lý rõ ràng và các quy tắc của luật pháp. Phần thứ ba là phiên họp về các vấn đề chính trị và an ninh. Phần này sẽ đề cập biện pháp để Mỹ và ASEAN có thể giải quyết các thách thức chiến lược, xuyên quốc gia, gồm tranh chấp biển đảo, khủng bố, buôn lậu người, biến đổi khí hậu và bệnh dịch.
Giải quyết tranh chấp đa phương
Vấn đề Biển Đông là một chủ đề để các lãnh đạo thảo luận các tiêu chí cơ bản để giải quyết xung đột kéo dài hoặc mới xảy ra như việc Trung Quốc bay thử nghiệm trên đường bay mới xây ở Đảo Đá Chữ Thập.
Theo dự thảo Tuyên bố chung của hội nghị mà một nhà ngoại giao cho biết, các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Barack Obama đang thảo luận hàng loạt nguyên tắc hay còn gọi là "Nguyên tắc Sunnylands”. Hiện chưa rõ mức độ đồng thuận đối với những nguyên tắc này.
Bản dự thảo Tuyên bố mở đầu rằng: Mỹ và ASEAN "tận dụng cơ hội này tái khẳng định những nguyên tắc quan trọng sẽ dẫn dắt sự hợp tác tiến triển". Dự thảo nhấn mạnh cam kết của hai bên đối với tự do thương mại và xây dựng "những nền dân chủ mạnh mẽ hơn, nền quản trị tốt, thúc đẩy, bảo vệ nhân quyền và những quyền tự do căn bản, thúc đẩy sự khoan dung và ôn hòa”.
Những nguyên tắc trong dự thảo Tuyên bố dường như ủng hộ phương thức tiếp cận đa phương để giải quyết tranh chấp. Cụ thể, "sự tôn trọng đối với tính trung lập của ASEAN như một nguyên tắc định hướng trong việc định hình cấu trúc đa phương của khu vực châu Á-Thái Bình Dương” là một trong những nguyên tắc của bản dự thảo. Dự thảo cũng đề cập trực tiếp đến tranh chủ quyền ở Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.
Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice nói rằng Tuyên bố chung sau Hội nghị sẽ không tập trung chủ yếu vào Biển Đông và nhất quán nêu bật sự cần thiết phải giải quyết vấn đề thông qua những biện pháp hòa bình và hợp pháp. Những nguyên tắc chính trong bản dự thảo tuyên bố khẳng định việc giải quyết hòa bình những tranh chấp, bao gồm cả thông qua trọng tài, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng Hội nghị nhằm gửi một tín hiệu với bên ngoài rằng Mỹ coi trọng ASEAN. Mỹ sẽ giữ lời hứa tại Đông Nam Á, cam kết cùng làm việc với các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương nhằm đặt ra những nguyên tắc rõ ràng cho việc xử lý nhiều vấn đề mà Mỹ cùng chia sẻ lợi ích với các nước.