📞

Hội nghị Thượng đỉnh bất đồng và chia rẽ, EU đang phơi bày những mặt yếu?

Thế Việt 14:54 | 20/07/2020
TGVN. Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) phải kéo dài hơn dự kiến, tuy nhiên, những khác biệt trong quan điểm về Quỹ phục hồi kinh tế và ngân sách EU giai đoạn 2021-2027 giữa các nhà lãnh đạo các nước thành viên của khối này vẫn chưa được giải quyết.
Từ trái qua: Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại một phiên làm việc ở Hội nghị Thượng đỉnh EU. (Nguồn: Hội đồng châu Âu)

Theo Hãng thông tấn ANSA của Italy, trong cuộc gặp với nhóm các nước chủ trương tiết kiệm chi tiêu (gồm Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Áo và Phần Lan), Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã đưa ra cảnh báo với người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte: “Nếu thị trường đơn nhất sụp đổ, bạn sẽ được yêu cầu để trả lời công khai trước toàn bộ người dân châu Âu về việc châu Âu đã thỏa hiệp một phản ứng một cách đẩy đủ và hiệu quả”.

Cùng quan điểm với Italy, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nêu rõ, Hà Lan muốn tạo ra cơ chế để kiểm soát chi tiêu của các nước phía Nam từ Quỹ phục hồi, đồng thời cho rằng, Hà Lan phải chịu trách nhiệm cho những bất đồng tại Hội nghị Thượng đỉnh và EU cần cung cấp tài chính cho các quốc gia cần hỗ trợ để sớm ổn định nền kinh tế.

Trong khi đó, trả lời báo giới, Thủ tướng Hà Lan cho rằng: “Một thỏa thuận là có thể, ngay cả khi vẫn còn những vấn đề lớn” và đã đạt được một số tiến bộ về phương thức quản lý. Tuy nhiên, ông Mark Rutte khẳng định, còn những điểm phải làm rõ như sự nhập nhằng giữa hỗ trợ và cho vay, các khoản hỗ trợ và mức giảm hỗ trợ, trong khi việc đàm phán về ngân sách 2021-2027 vẫn bỏ ngỏ.

Tổng Quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ Euro, được tạo ra bởi một khoản vay chung từ EU, nhằm mục đích vực dậy nền kinh tế châu Âu bị thiệt hại bởi đại dịch Covid-19. Sự nhất trí là cần thiết để kế hoạch phục hồi được phê duyệt, tuy nhiên, sau 3 ngày thảo luận, Hội nghị Thượng đỉnh EU vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề này.

Trên cơ sở đề xuất của Phần Lan, nhóm các nước chủ trương tiết kiệm đã đề xuất giảm Quỹ phục hồi xuống 700 tỷ Euro, trong đó bao gồm 350 tỷ Euro cho vay và cắt giảm khoản hỗ trợ trị giá 400 tỷ Euro xuống 350 tỷ Euro. Tuy nhiên, Italy và Tây Ban Nha, với sự hỗ trợ của Pháp và Đức, không muốn cắt giảm.

Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nêu rõ: “Mục tiêu chính của Phần Lan là hạn ngạch trợ cấp, quy mô của Quỹ phục hồi phải giảm”, đồng thời cho biết, Hội nghị sẽ phải tiếp tục kéo dài để đạt được một thỏa thuận. Theo kế hoạch ban đầu, Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này diễn ra trong 2 ngày 17-18/7.

Tối cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã phải lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo nhất trí về kế hoạch phục hồi trong thời gian sau đại dịch Covid-19 và không phơi bày những mặt yếu của khối.

Trong bữa tối với nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các quốc gia EU, ông Michel cho rằng, vấn đề đặt ra là liệu 27 nhà lãnh đạo - những người có trách nhiệm với các dân tộc châu Âu - có khả năng xây dựng sự thống nhất và tin cậy của châu Âu không? Hay họ sẽ thể hiện bộ mặt của một châu Âu yếu kém, bị suy yếu do ngờ vực?

(theo Reuters, ANSA)