Đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 trong hai ngày 4-5/9 tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc hy vọng củng cố vị thế như một cường quốc toàn cầu và nhân tố tái định hình kinh tế thế giới với nhiều đề xuất táo bạo. Tuy nhiên, những tham vọng “hóa rồng” này của Bắc Kinh được đánh giá sẽ không dễ trở thành hiện thực.
Thông điệp từ Hàng Châu
Không phải ngẫu nhiên giới chức Trung Quốc chọn Hàng Châu làm nơi tổ chức sự kiện quốc tế lớn nhất trong năm của nước này: Hội nghị thượng đỉnh G20. Hàng Châu được biết đến là một trong những thành phố đẹp nhất và thu hút nhiều du khách nhất ở Trung Quốc.
Đặc biệt, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang được đánh giá là hiện thân của sự chuyển đổi thần kỳ kinh tế Trung Quốc, từ một nền kinh tế dựa vào sản xuất chi phí thấp sang phát triển công nghệ cao. Vì vậy, việc chọn Hàng Châu làm nơi đăng cai Hội nghị G20 là thông điệp của Trung Quốc rằng, các nước G20 nên tập trung vào tăng trưởng kinh tế theo phương châm “đổi mới, năng động, kết nối và toàn diện”. Đó cũng là chủ đề xuyên suốt của hội nghị năm nay với kỳ vọng của nước chủ nhà đưa G20 trở thành đầu tàu, vượt qua những khó khăn và thách thức mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc. (Nguồn: Getty). |
Trên thực tế, kinh tế thế giới vẫn đang phục hồi chậm, và những mảng màu u ám của cuộc khủng hoảng toàn cầu cách đây 8 năm khiến bức tranh kinh tế khó có khởi sắc. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, 2016 là năm thứ 5 liên tiếp nhịp độ tăng trưởng toàn cầu ở dưới mức bình quân 3,7% ghi nhận trong các năm 1990-2007.
Để thoát khỏi trạng thái tăng trưởng ì ạch, không chỉ các nền kinh tế G20 mà toàn thế giới đều mong muốn một “làn gió mới” thúc đẩy “con tàu kinh tế” tăng tốc. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội là nước chủ nhà Hội nghị G20 năm nay để đưa ra những “liều thuốc” nhằm mang lại sức sống mới cho kinh tế toàn cầu, nhất là trong lúc chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng.
Cụ thể, Bắc Kinh đã đề xuất một số vấn đề lớn gồm phát triển phương thức tăng trưởng sáng tạo, quản trị tài chính toàn cầu, thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ, năng động và kết nối có hiệu quả cao hơn… Những sáng kiến này được cho là đúng thời điểm, bởi các mô hình thúc đẩy kinh tế hiện nay vốn chủ yếu dựa vào các gói kích thích và nới lỏng tiền tệ đang trở nên kém hiệu quả. “Chúng ta cần biến G20 thành một nhóm hành động, thay vì chỉ nói suông”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh tại phiên khai mạc hội nghị.
Nói dễ, làm khó
Trên thực tế, trong khi kêu gọi chính sách “cởi mở thương mại và đầu tư” để ngăn chặn suy giảm kinh tế, Trung Quốc lại bị chỉ trích là “chơi sai luật” khi có cáo buộc rằng chính phủ nước này trợ giá cho các ngành công nghiệp địa phương để giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc có lợi thế về giá trên thị trường quốc tế. Ông James Zimmerman, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh trước tiên cần “thực hiện cải cách trong nước, mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và công nghệ nước ngoài”.
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay được tổ chức tại Trung Quốc. |
Bên cạnh đó, những yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên các vùng biển châu Á cũng khiến quốc tế “dè chừng” trước những đề xuất cải cách của nước này trong lĩnh vực kinh tế. Đó là sự lo ngại về một quốc gia cậy thế nước lớn sẽ khiến cỗ máy kinh tế toàn cầu lệch hướng theo những toan tính riêng. Alan Wheatley, chuyên gia tại Viện Chatham (Anh) đưa ra một ví dụ trên Nhật báo SCMP rằng việc Trung Quốc thúc đẩy “cải cách cơ cấu” diễn ra không đúng lúc, khiến các nước có thể phải chịu những tổn thất không mong muốn trong bối cảnh tăng trưởng yếu.
Ngoài ra, giới phân tích cho rằng, G20 lâu nay là một cơ chế đối phó với những tác động ngắn hạn của kinh tế toàn cầu, Trung Quốc lại mong muốn thay đổi nó thành một cơ chế dài hạn. Việc chuyển đổi này rất khó có thể được triển khai, bởi các cường quốc như Mỹ và Nhật Bản không mong đợi Trung Quốc đóng một vai trò lớn trên “sân khấu” kinh tế thế giới và họ sẽ hạn chế Bắc Kinh bằng nhiều cách.
Theo nhận định của báo Indian Express, Hội nghị G20 tại Hàng Châu có thể là “ánh sáng cuối đường hầm” đối với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, triển vọng thành công phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác giữa các nước thành viên trong việc thực thi các chính sách và giải pháp đề ra. Giáo sư Đường Nhiệm Ngũ (Đại học Sư phạm Bắc Kinh) cho rằng: “Các quốc gia không thể mạnh ai nấy làm mà phải cùng nhau hợp sức để xây dựng hệ thống quản trị tài chính quốc tế minh bạch”.
Rõ ràng, với việc lần đầu tiên đảm nhận cương vị chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã không bỏ qua cơ hội để đánh bóng hình ảnh. Tuy nhiên, với những thách thức kể trên, việc đạt được tham vọng mở rộng ảnh hưởng và vị thế sẽ là chặng đường đầy chông gai với Trung Quốc.