Việc đột ngột kết thúc hội nghị thượng đỉnh tiếp tục làm dấy lên những hoài nghi về tương lai của GCC, khối chính trị và kinh tế khu vực gồm 6 quốc gia vùng Vịnh là Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Quyết định của ông Sheikh Sabah được đưa ra sau khi UAE trước đó cùng ngày thông báo đạt được một thỏa thuận hợp tác mới riêng rẽ với Saudi Arabia, không liên quan đến GCC.
Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al Ahmad Al Sabah đã tuyên bố kết thúc sớm Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 38 của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). (Nguồn: AP) |
Một nguyên nhân nữa khiến Quốc vương nước chủ nhà Sheikh Sabah không muốn kéo dài hội nghị theo kế hoạch là do 3 nước Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar gồm Saudi Arabia, UAE và Bahrain chỉ cử đại diện cấp thấp hơn tới dự, trong khi Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani đã tới tham dự hội nghị thường niên GCC.
Mặc dù vậy, phát biểu tại hội nghị, Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah đã kêu gọi thành lập một ủy ban nhằm xem xét sửa đổi quy chế của GCC, đồng thời cho rằng bước đi này sẽ giúp khối tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo.
Bộ Ngoại giao UAE cho biết Tổng thống UAE Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan đã thông qua một "ủy ban hợp tác chung" với Saudi Arabia, theo đó hai nước nhất trí tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa và các lĩnh vực khác, vì lợi ích chung của hai bên.
UAE và Saudi Arabia có mối quan hệ gần gũi trong nhiều năm qua. UAE hiện tham gia trong liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia đứng đầu chống lại lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen. Thông báo của Bộ Ngoại giao UAE không cho biết liệu các quốc gia Arab vùng Vịnh khác trong GCC có được mời tham gia "nhóm mới" nói trên hay không.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên GCC năm nay được đánh giá là cơ hội tốt để Qatar và các nước Arab vùng Vịnh thúc đẩy một tiến trình đối thoại toàn diện nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao khu vực hiện nay. Tuy vậy, những diễn biến mới nhất cho thấy cơ hội đã "vuột khỏi tầm tay" do các bên vẫn chưa chịu thỏa hiệp hay nhượng bộ trong các vấn đề then chốt.