📞

Hội nghị thượng đỉnh NATO: Cần tư duy lãnh đạo mới

08:26 | 23/05/2012
Mặc dù ra tuyên bố chung với lập trường thống nhất về một số vấn đề quan trọng như Afghanistan và hệ thống phòng thủ tên lửa hay quan hệ với Nga, nhưng có vẻ kết quả của Hội nghị thượng đỉnh NATO đầu tuần này tại Mỹ không được cho là thành công.

Sự kiện quan trọng của khối NATO lần này nhận được sự chú ý của cả thế giới trước hết vì bối cảnh diễn ra Hội nghị. Thứ nhất, đây không chỉ là Hội nghị thượng đỉnh NATO đầu tiên được tổ chức tại Mỹ trong 13 năm qua mà còn được tổ chức ngay tại quê hương của Tổng thống Barack Obama ngay trong năm bầu cử. Thứ hai, các nước thành viên NATO đang phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế tác động lớn đến ngân sách quốc phòng. Thứ ba, trong bài phát biểu hồi tháng 6/2011, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã làm sống lại cuộc tranh luận về việc chia sẻ gánh nặng giữa hai bờ Đại Tây Dương và những mâu thuẫn nội bộ liên minh khiến vấn đề đoàn kết liên minh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là những căng thẳng với Nga liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa của khối này tại châu Âu vẫn chưa có hồi kết

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của chính quyền Obama để hội nghị thông qua những vấn đề nền tảng cơ bản của liên minh nhằm ghi điểm trước bầu cử, những vấn đề được đưa ra trong bản tuyên bố chung kết thúc hội nghị dường như không làm thỏa mãn những bên liên quan.

Trước hết là về vấn đề Afghanistan, tuyên bố về "quá trình chuyển giao" trách nhiệm bảo đảm an ninh từ Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) sang Lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan (ANSF) là "không thể đảo ngược" và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014 chắc chắn không làm làm tân Tổng thống Pháp Francois Hollande cảm thấy thoải mái, khi nhà lãnh đạo này từng cam kết sẽ đưa quân Pháp về nước trong năm 2012. Tiếp đó, "Quyết tâm xây dựng một nền hòa bình lâu dài và toàn diện với Nga" ở châu Âu cũng khó mà thực hiện khi vấn đề mấu chốt là hệ thống phòng thủ tên lửa chung giữa hai bên vẫn chưa có giải pháp cuối cùng.

Thực sự, các vấn đề cơ bản của NATO khó mà có giải pháp trọn vẹn khi những mâu thuẫn nội bộ vẫn tồn tại như lời của ông Robert Gates. Giới chức Mỹ vẫn thường chỉ trích các nước EU không chi đủ ngân sách cho quốc phòng, đóng góp một cách công bằng cho các hoạt động của NATO cũng như mất khả năng triển khai lực lượng thực hiện các nhiệm vụ. Trong khi đó, Mỹ lại khăng khăng theo đuổi kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa bất chấp thực tế hiện có ít bằng chứng cho thấy EU bị đe dọa bởi tên lửa từ Trung Đông. Điều này khiến không ít ý kiến cho rằng dự án sẽ gây hại nhiều hơn lợi cho các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Đã 63 năm kể từ ngày hiệp ước được ký kết, NATO muốn biến mình thành một tổ chức an ninh toàn cầu của thế kỷ 21 để hướng tới một thế giới an toàn hơn. Nhưng NATO hiện nay, theo lời của Tổng thư ký Rasmussen, là "một trung tâm của một mạng lưới đối tác an ninh và trung tâm tư vấn về các vấn đề an ninh toàn cầu". Đó cũng là một "thể chế kết nối toàn cầu" với hơn 40 quốc gia đối tác và có quan hệ ngày càng nhiều với các tổ chức quốc tế. Nếu thảo ra các đường nối chỉ quan hệ của NATO với các nước và các tổ chức khác nhau sẽ tạo thành một mạng lưới có nhiều trung tâm, nhiều nhóm, giống như một bản đồ hành tinh và các dải thiên hà. Thế giới không còn đơn cực, cũng không phải hai cực hay đa cực, bởi các nhân tố quan trọng không phải là quốc gia đơn lẻ mà là các nhóm quốc gia có liên hệ ít nhiều chặt chẽ hơn. Đó là một mạng lưới an ninh đa trung tâm, trong đó các trung tâm là các tổ chức khu vực có quy mô và sức mạnh khác nhau. Do đó, mỗi quyết định của NATO sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới và cũng cần có sự "nhìn trước, ngó sau" để có thể đi đến một kết quả trọn vẹn.

Với tình hình mới, yêu cầu mới, ở độ tuổi "toan về già", phải chăng tổ chức này cũng cần có những thay đổi bên trong nội khối về cơ chế lãnh đạo, tài chính… để phù hợp với một tổ chức an ninh của thế kỷ 21?

Nguyễn Kim