Các nhà lãnh đạo các nước thành viên SCO và đối tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh thông qua hình thức trực tuyến. (Nguồn: Reuters) |
Hội nghị thượng đỉnh SCO năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của lãnh đạo các nước thành viên SCO, trong đó có Thủ tướng Ấn Độ, Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga.
Tại hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã hoan nghênh sự kiện Iran gia nhập SCO và việc Belarus ký một bản ghi nhớ về ý định trở thành thành viên của tổ chức này.
Ông Modi khẳng định: “Tôi vui mừng thông báo rằng Iran đang gia nhập gia đình SCO với tư cách là một thành viên đầy đủ. Tôi cầu chúc những điều tốt đẹp nhất đến với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và người dân Iran về vấn đề này… Tôi cũng hoan nghênh việc Belarus ký kết bản ghi nhớ về việc trở thành thành viên của SCO”.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Modi nhấn mạnh, các nước cần tôn trong sự toàn vẹn lãnh thổ.
Theo ông, Ấn Độ không xem SCO như một khu vực mở rộng mà coi đây là một “đại gia đình”.
Trong đó, New Delhi nhìn nhận an ninh, phát triển kinh tế, kết nối, thống nhất, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, và bảo vệ môi trường là những trụ cột trong tầm nhìn của nước này về SCO.
Hơn nữa, ông Modi còn cho rằng, mối quan hệ văn hóa và giao lưu nhân dân hàng nghìn năm tuổi của Ấn Độ với khu vực Á-Âu là “minh chứng sống động cho di sản chung”.
Với tư cách là Chủ tịch luân phiên SCO, Ấn Độ đã nỗ lực không ngừng để đưa sự hợp tác nhiều mặt của tổ chức này lên một tầm cao mới.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu trực tuyến, trong đó kêu gọi các nước thành viên SCO tăng cường đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, đồng thời nỗ lực bảo vệ hòa bình khu vực và đảm bảo an ninh chung.
Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, SCO nên chú trọng vào hợp tác thực chất và đẩy nhanh phục hồi kinh tế.
Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên để thực hiện các sáng kiến an ninh toàn cầu.
Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, các nước thành viên SCO hiện nay cần tăng cường liên lạc và hợp tác chiến lược, cũng như tôn trọng lợi ích và các mối quan tâm cốt lõi của nhau.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, nước này sẽ đứng lên chống lại các lệnh trừng phạt và “hành động khiêu khích” của phương Tây.
Theo ông chủ Điện Kremlin, Moscow mong muốn tăng cường thúc đẩy quan hệ với SCO và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang thanh toán bằng nội tệ trong ngoại thương. Đồng thời, ông cảnh báo về khả năng xảy ra xung đột, cùng nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang gia tăng.
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga cam kết, SCO sẽ tạo ra một trật tự thế giới công bằng và chính đáng với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc.
Ông cho biết: "Tổ chức của chúng tôi cam kết chắc chắn xây dựng một trật tự thế giới thực sự công bằng và đa cực. Một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, dựa trên các nguyên tắc hợp tác tôn trọng lẫn nhau được công nhận rộng rãi của các quốc gia có chủ quyền với vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc".
Đặc biệt, ông Putin thể hiện sự ủng hộ của Nga đối với dự thảo tuyên bố chung của SCO - vốn "phản ánh các cách tiếp cận hợp nhất đối với các vấn đề quốc tế", cũng như nhất trí việc trao tư cách thành viên tổ chức này cho Belarus.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được thành lập vào năm 2001 và hiện có 8 thành viên, bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Ấn Độ và Pakistan. Năm nay, Ấn Độ đã đưa ra 5 trụ cột hợp tác mới trong SCO: Khởi nghiệp và đổi mới, Y học cổ truyền,Trao quyền cho thanh niên, Kỹ thuật số và Chia sẻ di sản Phật giáo. |