Khai mạc Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nêu rõ hội nghị có nhiệm vụ quan trọng nhằm đánh giá tình hình kết quả công tác của ngành Nội chính Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019 và những năm tiếp theo của toàn ngành.
Năm 2018, ngành nội chính Đảng đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, góp phần hoàn thiện thể chế, pháp luật về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
Toàn cảnh hội nghị. |
Ban Nội chính Trung ương đã chủ động tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sơ kết, tổng kết, xây dựng, ban hành nhiều chỉ thị, kết luận, nghị quyết, đề án quan trọng của Đảng về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm cho pháp luật phù hợp với Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; tích cực nghiên cứu, thẩm định nhiều đề án, văn bản quan trọng về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa để "không thể tham nhũng."
Các ban nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy đã tham mưu với Tỉnh ủy, Thành ủy xây dựng, ban hành nhiều văn bản để tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp ở địa phương.
Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu khai mạc hội nghị. |
Toàn ngành nội chính Đảng đã tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả cho Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai."
Ban Nội chính Trung ương đã có nhiều cố gắng, tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; vừa tham mưu, đề xuất và theo dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo, vừa đề xuất với Ban Chỉ đạo nhiều cơ chế, cách làm phù hợp, có hiệu quả.
Ban Nội chính Trung ương cùng các cơ quan Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán, Công an, Kiểm sát, Tòa án đã phối hợp tốt; nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, 53.107 cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 643 vụ/1.579 bị cáo về tham nhũng, kinh tế.
Trong năm năm qua, từ khi tái lập đến nay, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu với Ban Chỉ đạo đưa 301 vụ án, 361 vụ việc về tham nhũng, kinh tế vào diện theo dõi, chỉ đạo ở ba cấp độ. Riêng 87 vụ án, 78 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, quyết liệt trong điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 47 vụ/634 bị cáo, tuyên phạt 10 bị cáo với 11 mức án tử hình; 20 bị cáo với 21 án tù chung thân; 8 bị cáo tù 30 năm; 18 bị cáo tù từ 20-30 năm; 535 bị cáo tù từ 12 tháng đến dưới 20 năm.
Trong năm 2018, đã kết thúc điều tra 23 vụ/222 bị can (tăng 43,75% số vụ so với năm 2017), đã truy tố 20 vụ/251 bị can (tăng 66,7% số vụ so với năm 2017); đã xét xử sơ thẩm 23 vụ/304 bị cáo (gấp gần năm lần so với năm 2017), nhất là đã đưa ra xét xử 10 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như vụ án Trịnh Xuân Thanh; vụ án Đinh La Thăng; vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 2); vụ án Hà Văn Thắm; vụ án Trần Phương Bình; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án Phan Văn Anh Vũ; vụ án Đinh Ngọc Hệ; vụ án Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam; vụ án Hứa Thị Phấn, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Nhiều Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý có hiệu quả các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế. Việc tham mưu chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng đã trở thành quyết tâm chính trị của ngành Nội chính Đảng và đạt kết quả tốt. Tại một số địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền đã chú ý quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến trong công tác phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng; tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" đã bước đầu được khắc phục, điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk, An Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh...
Công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội; tham nhũng được ngăn chặn, đang từng bước được đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trong thành tích chung đó, có phần đóng góp quan trọng của ngành Nội chính nói chung và Ban Nội chính Trung ương nói riêng.