📞

Hội nghị Tổng kết công tác Ngoại giao Kinh tế năm 2019 và phương hướng năm 2020

Hoàng Trung Hiếu 19:18 | 31/12/2019
TGVN. Ngày 31/12, Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế đã họp tổng kết công tác Ngoại giao kinh tế năm 2019 và đề xuất phương hướng cho năm 2020, dưới sự chủ trì của Trưởng Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Trung Hiếu)

Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo đã điểm lại những thành tựu nổi bật của công tác Ngoại giao kinh tế trong năm 2019 và xây dựng phương hướng, kế hoạch triển khai công tác Ngoại giao kinh tế năm 2020.

Phát huy ưu thế đặc thù của ngành, Ngoại giao Việt Nam tiếp tục tạo dựng môi trường đối ngoại thuận lợi và thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc nhằm duy trì đà hợp tác kinh tế với các đối tác chủ chốt. Điểm nhấn của năm 2019 là quá trình vận động chính trị - ngoại giao quyết liệt để ký kết hai Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA với Liên minh châu Âu.

Trong năm 2019, Bộ Ngoại giao có nhiều sáng tạo trong hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch theo tinh thần lấy địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm và đối tượng phục vụ. Tiêu biểu là tranh thủ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 để quảng bá Việt Nam; triển khai thí điểm chương trình Quà tặng Nông sản Bộ ấn phẩm đa phương tiện để giới thiệu cà phê, xoài và thanh long Việt ra quốc tế; nhiều cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tận dụng tốt yếu tố chính trị đối ngoại thuận lợi, tranh thủ các cơ hội để kết hợp triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại du lịch. Bộ Ngoại giao cũng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương mở rộng thị trường, xử lý khó khăn, vướng mắc và tăng cường hợp tác quốc tế trên nhiều cấp độ.

Bộ Ngoại giao một mặt tích cực chuẩn bị tiền đề thuận lợi cho những hoạt động ngoại giao đa phương trọng điểm của năm 2020 như Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; mặt khác, đóng góp nhiều nghiên cứu, tham mưu kinh tế giá trị cho Đảng và Chính phủ điều hành kinh tế xã hội và xây dựng chiến lược cho Đại hội Đảng XIII trong bối cảnh tình hình thế giới biến động liên tục và khó lường.

Bộ Ngoại giao cũng tiếp tục đóng vai trò chủ động trong việc kết nối, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tranh thủ cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thông qua việc thúc đẩy ký kết với WEF “Thỏa thuận thành lập Trung tâm CMCN 4.0” và Ý định thư hợp tác xử lý rác thải nhựa, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: Trung Hiếu)

Các thành viên Ban chỉ đạo đã thảo luận sôi nổi, có nhiều ý kiến đóng góp thực chất cho phương hướng công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới. Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đánh giá tính đồng bộ, lan tỏa, sáng tạo và nắm bắt cơ hội là những điểm sáng nổi bật của công tác ngoại giao kinh tế năm 2019.

Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định, công tác ngoại giao kinh tế năm 2020 cần bám sát nhu cầu của địa phương và doanh nghiệp, với phương châm “địa phương và doanh nghiệp đặt hàng, ngoại giao hỗ trợ"; đồng thời, cần lưu ý tranh thủ những cơ hội thuận lợi năm 2020, khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như kỷ niệm năm chẵn năm tròn thiết lập quan hệ với các đối tác để tổ chức các hoạt động ngoại giao kinh tế đạt hiệu quả cao nhất.

Cụ thể, công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: (i) đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo, tham mưu cho lãnh đạo cấp cao, bộ, ngành và doanh nghiệp; (ii) kiến tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác kinh tế; đẩy nhanh tiến độ xử lý vướng mắc với các đối tác chủ chốt; tìm kiếm dự án, lĩnh vực và phương thức hợp tác mới để tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác; (iii) tiếp tục đổi mới phương thức triển khai công tác ngoại giao kinh tế như việc mở rộng chương trình Ngoại giao nông sản; (iv) chủ động hỗ trợ bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đổi mới công tác xúc tiến kinh tế đối ngoại, đảm bảo gắn kết nhu cầu thực sự của doanh nghiệp với hoạt động ngoại giao kinh tế; (v) tranh thủ tối đa vai trò Chủ tịch ASEAN để nâng cao vị thế, thúc đẩy lợi ích của Việt Nam tại các diễn đàn, khuôn khổ hợp tác kinh tế toàn cầu và khu vực.