Đoàn đại biểu 54 dân tộc đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Ảnh Hoàng Long |
Kỷ niệm 36 năm thống nhất Tổ quốc và giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975) và 56 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955), Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đã tổ chức Đoàn đại biểu 54 dân tộc đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.
Sức sống Trường Sa…
Đại diện Đoàn thanh niên của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao được cử tham gia Đoàn với mong muốn chuyển tải tình cảm của hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập ở trên 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến với quân dân Trường Sa. | |
Bà Ngô Thị Thanh Mai - Trợ lý Vụ trưởng Uỷ ban Nhà nước về NVNONN - chuyển số tiền tương đương 247 triệu đồng của cộng đồng NVNONN ủng hộ quân dân Trường Sa. Ảnh Hoàng Long |
Nhìn từ xa, những đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Trường Sa Lớn… như những hòn ngọc xanh nổi lên trên biển cả. Bao phủ trên đảo là màu xanh của những cây phong ba, bão táp, tra, bàng vuông, xoài biển… rồi những cây đu đủ trĩu trịt trái, những vạt rau muống, khoai lang, bí ngô, giàn rau mồng tơi xanh um…Trong vườn gà mẹ gà con tung tăng chạy nhảy và ở Song Tử Tây chúng tôi còn bắt gặp cả những đàn bò béo tốt như ở đất liền trong khi những bầy cò nhởn nhơ bên đường băng ở Trường Sa Lớn... Ở các đảo chìm chúng tôi tới thăm như Đá Nam, Đá Đông, Đá Tây, chúng tôi bắt gặp những vườn rau thanh niên xanh tốt, cũng rau muống, mồng tơi, khoai lang, rau cải các loại… Thú vị là ở đảo chìm Đá Tây chúng tôi còn gặp một cây xương rồng to, cao chạm trần nhà và đang trổ bông, mới thấy sức sống Trường Sa thật mãnh liệt!
Dù một số đảo còn gặp khó khăn về nước ngọt, trang thiết bị…, nhưng nhìn chung trên các đảo, đời sống vật chất và tinh thần của quân dân được đáp ứng khá đầy đủ và đang ngày càng được cải thiện. Ở các đảo lớn có dân sinh sống đều có trường học cho con em, có bộ phận y tế chăm sóc sức khoẻ, chùa chiền đáp ứng nhu cầu tâm linh của bà con… Công nghệ thông tin phát triển, có đảo đã có mạng Internet, sóng di động Viettel mạnh đã giúp xóa đi khoảng cách về địa lý giữa Trường Sa với đất liền. Các đảo đều được trang bị hệ thống năng lượng sạch (điện gió và pin năng lượng mặt trời). Chị Bùi Thị Tình ở Trường Sa Lớn vui vẻ tâm sự: Gia đình tôi rất hạnh phúc được sinh sống ở đây. Đặc biệt, đến Trường Sa những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí khẩn trương chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp sẽ diễn ra vào ngày 15/5 - trước đất liền 1 tuần.
Ý chí người lính đảo
Đến thăm Trường Sa, có lẽ điều mà chúng tôi ấn tượng nhất đó là tinh thần khắc phục mọi khó khăn gian khổ và ý chí mãnh liệt của các cán bộ, chiến sĩ. Ông Măng Đung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - tâm sự: Suốt chuyến đi này, tôi có hai cảm nhận. Thứ nhất là sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa quá vĩ đại trong thời bình. Thứ hai là cái chúng ta cho Trường Sa thì ít, mà cái chúng ta nhận lại của Trường Sa lại quá nhiều. Chúng ta mang ơn các anh nhiều lắm… Trong chuyến đi Trường Sa lần này, Đoàn chúng tôi tổ chức hai Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hải quân đã hy sinh, một ở gần bãi Gạc Ma và một ở khu vực bãi Phúc Tần. Đã có những hiện tượng kỳ lạ xảy ra mà chắc chỉ có thế giới tâm linh mới giải thích được. Tại Lễ tưởng niệm ở gần bãi Gạc Ma, khi chúng tôi thả hoa xuống biển, cả một vùng nước rộng nơi thả lễ bỗng phẳng lặng như mặt hồ, trong khi ngoài biển sóng biển vẫn xôn xao. Còn ngay sau Lễ tưởng niệm ở bãi Phúc Tần, trời bỗng đổ mưa khá nặng hạt tới 2 lần, mưa ào tới rồi ào đi... Các anh bên Hải quân cho biết, lần nào tổ chức lễ tưởng niệm cũng có những hiện tượng như vậy xảy ra.
Điểm cuối cùng mà chúng tôi đến thăm là Nhà giàn DK1-16 và DK1-18. Cả chuyến hành trình sóng yên biển lặng, vậy mà đúng ngày này thì biển động cấp 6. Cả Đoàn buồn rầu vì sợ không thể lên thăm Nhà giàn được. Nhưng đã đi Trường Sa rồi, ai cũng muốn được lên thăm Nhà giàn. Đồng chí Lê Bá Trình - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Đoàn công tác và đồng chí Nguyễn Văn Tương - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, Phó Trưởng Đoàn công tác, hội ý chớp nhoáng và quyết định sẽ cho 1 xuồng chở quà sang Nhà giàn DK1-16, 1 xuồng khác sẽ chở quà và khoảng 20 thành viên trong Đoàn lên thăm Nhà giàn DK1-18. Gần đến Nhà giàn, một sự kiện thót tim xảy ra - do sóng đánh quá mạnh, xuồng của chúng tôi lao thẳng vào chân Nhà giàn. Rất may đã không có gì xấu xảy ra và xuồng chỉ bị móp phía mũi.
Cuộc hội ngộ sau đó ở DK1-18 thật xúc động. Ở những Nhà giàn chơ vơ trên biển, tiếng hát của người chiến sĩ vẫn vang lên lẫn trong tiếng sóng. Chúng tôi ngồi sát bên nhau, nắm tay nhau cùng hát vang... Cuộc gặp diễn ra trong 90 phút mà chúng tôi cảm thấy qua đi quá nhanh, mọi người nài nỉ xin thêm 5 phút, rồi 3 phút… Rời DK1-18, trong lòng tôi là ấn tượng sâu sắc về những cán bộ chiến sĩ nơi đây - những anh Hùng, anh Trung, anh Dưỡng… những người lính trẻ đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để trụ vững nơi đầu sóng.
Chia tay Trường Sa, lòng tôi cứ vang lên câu nói của một vị tướng Hải quân: Ở nơi khí hậu vô cùng khắc nghiệt này, cái gì cũng hoen gỉ, chỉ có ý chí của người chiến sĩ là chẳng bao giờ gỉ hoen… Chúng ta trụ vững được không phải vì chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng sẽ bị hủy hoại bởi thiên nhiên khắc nghiệt hay bom đạn của kẻ thù, chúng ta trụ vững được vì chúng ta là những người Việt Nam yêu nước.
Đơn giản vậy thôi nhưng thật đáng tự hào - những Chiến sỹ Trường Sa.
Thanh Mai