TS. Võ Trí Thành. |
Nhìn lại quá trình gia nhập WTO, Theo ông, nếu chúng ta không hội nhập thì sẽ ra sao?
Trong một thế giới dịch chuyển nhân tố sản xuất rất nhanh, một nhân tố vừa phải cạnh tranh đồng thời cũng phải học hỏi và tận dụng những nguồn lực khác… thì hội nhập là rất quan trọng. Bài học 5 năm gia nhập WTO là như vậy. Bản chất mạnh nhất của WTO giúp cho Việt Nam (VN) đổi mới là cải cách dịch vụ và cải cách thể chế, bên cạnh đó cũng phải biết đánh giá rủi ro và phòng ngừa rủi ro. Chẳng hạn, liên quan đến việc bất ổn vĩ mô. Nếu nhìn dưới góc độ đấy, thì cải cách trong nước, cải cách thể chế hoặc đánh giá được những rủi ro và hạn chế những "cú sốc" thì VN vẫn làm chưa tốt. Chính cái chưa tốt này sẽ làm cộng hưởng thêm những khó khăn mà môi trường bên ngoài có thể tạo ra. Ví dụ, khủng hoảng tài chính toàn cầu, cú sốc giá mà không kiểm soát được…Khiếm khuyết này có thể coi như một nhân tố nội tại cơ bản làm tăng thêm khó khăn.
Trong những cái chưa được này, liệu có ảnh hưởng đến cải cách đầu tư công không, thưa ông?
Đầu tư công gắn rất nhiều đến cải cách thể chế, nhìn nhận hiệu quả đầu tư, vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Cho nên, câu chuyện về cải cách đầu tư công hay DNNN, đầu tiên là gắn với nhìn nhận tổng thể về cái gì tạo ra phát triển và hiệu quả phân bổ nguồn lực. Tức là vai trò của nhà nước trong đầu tư công. Thông thường, nhìn nhận hiệu quả từ đầu tư công phải dựa trên 3 góc độ: Hiệu quả, tài chính hay kinh tế của bản thân dự án đấy, tác động lan tỏa đến đầu tư tư nhân. Ví dụ, đầu tư kết cấu hạ tầng mà giảm được tham nhũng, hiệu quả tăng thì ai cũng được hưởng và còn tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư.
Có phải đầu tư công ở VN còn khá "phức tạp"?
Khái niệm về đầu tư công ở VN còn khá "phức tạp". Ở đây gồm có tín dụng nhà nước, chủ yếu là vốn ODA cho vay lại; Đầu tư từ phát hành trái phiếu; Đầu tư từ ngân sách; Đầu tư của bản thân DNNN. Tuy nhiên, mỗi loại hình, mỗi cách giám sát, cách nhìn nhận, cách "chơi" với đối tác cũng rất khác nhau, tất nhiên cũng có những mối quan hệ với nhau.
Ngoài ra, đầu tư công có liên quan đến việc phân cấp. Đây là vấn đề rất lớn đối với VN. Phân cấp tạo chủ động sáng tạo nhưng vấn đề làm sao phải giám sát được năng lực. Có rất nhiều dự án tác động có tính chất lan tỏa, sự lan tỏa này không thể dựng lại ở biên giới của một tỉnh, vùng mà thậm chí là cả nước hoặc cả quốc tế. Giữa những cái chung và riêng đấy, vẫn tạo ra được sáng tạo, năng động của địa phương nhưng phải vì lợi ích chung, nhìn nhận theo giá trị như: hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường…
Bên cạnh đó, cải cách có liên quan đến một số luật. Chẳng hạn, Luật mua sắm Chính phủ, vấn đề này là do yêu cầu nhưng cũng do đòi hỏi phải minh bạch hóa. Thời gian tới, với những hiệp định như TPP là chúng ta phải cam kết. Hoặc có những luật sắp tới cũng phải thay đổi như Luật ngân sách, Luật đối tác công - tư, đầu tư công…
Ông đánh giá thế nào về được và mất của VN sau khi gia nhập WTO?
Thứ nhất, xuất khẩu sau 5 năm cơ bản do hai nhân tố là thương mại toàn cầu, kinh tế toàn cầu tăng trưởng.
Hai là FTA chứ không phải WTO là chính. WTO tác động nhiều thể chế chứ không phải là xuất khẩu.
Ba là phá giá tiền đồng VN không tích cực đến xuất khẩu. Lý do cơ cấu nền kinh tế VN. Phá giá danh nghĩa nhưng vì không ổn định vĩ mô nên thực chất là lên giá chứ không phải phá giá do lạm phát cao.
Bốn là tham gia sâu hơn mạng toàn cầu, qua XNK hàng trung gian sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, Việt Nam phụ thuộc bên ngoài, trong đó phụ thuộc nhất là từ Trung Quốc. Thâm hụt lớn nhất là với Trung Quốc, chủ yếu từ hàng trung gian, hàng Việt Nam sản xuất và xuất khẩu phụ thuộc nhiều. Như hình ảnh "bôi sơn" lên hàng Trung Quốc để là hàng Việt Nam. Đây là câu chuyện dài hạn, không chỉ ngắn hạn.
Việt Nguyễn (thực hiện)