📞

Hội nhập quốc tế, cơ hội-thách thức, quyền lợi-trách nhiệm của doanh nghiệp luôn song hành

Hải An 14:34 | 16/09/2022
Chủ trương của Việt Nam hiện nay là hội nhập toàn diện với 3 trụ cột: Hội nhập quốc tế về kinh tế; hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng; hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo.

Sáng 16/9, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về hội nhập quốc tế năm 2022.

Hội nghị có sự tham gia của các diễn giả từ Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các phóng viên báo đài Trung ương và Hà Nội.

Các diễn giả tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về hội nhập quốc tế năm 2022 tại Hà Nội, ngày 16/9. (Ảnh: Hải An)

Tại Hội nghị, ông Đinh Nho Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao thông tin về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về đối ngoại sau Đại hội XIII của Đảng; tình hình thế giới và khu vực, những tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam.

Ông Hưng nhấn mạnh: “Đại hội XIII của Đảng đánh giá: Thế giới thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường; hòa bình hợp tác vẫn là xu thế lớn, song nhiều trở ngại; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng bị đe dọa; luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương gặp thách thức lớn.

Thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng mọi mặt; Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá: thời cơ, thách thức; các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới”.

Cũng theo ông Hưng, thời gian qua, thế giới có những thay đổi nhanh chóng, mang tính chất chuyển giai đoạn, như: Quá trình toàn cầu hóa tiếp diễn nhưng có màu sắc mới; quan hệ vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, an ninh mới trở nước lớn phức tạp; sự vươn lên của Trung Quốc, Ấn Độ và châu Á-Thái Bình Dương…

Tại Mỹ, giá khí đốt tăng hơn 180% và giá xăng tăng gấp đôi kể từ đầu năm, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1982 (9,1%). Tại châu Âu, giá khí đốt tăng khoảng 500%, lạm phát ở 19 nước Khu vực đồng tiền chung (Eurozone) ở mức cao nhất trong 24 năm (8,6%).

Trong bối cảnh quốc tế như vậy, ông Hưng cho rằng, Việt Nam cũng chịu những tác động thuận lợi và không thuận lợi.

Về mặt thuận lợi, Việt Nam có cơ hội phát huy vai trò, vị thế. Sau 35 năm Đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày một nâng cao.

Ngoài ra, xu hướng chuyển đổi kinh tế xanh, chuyển đổi số mở ra cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng như chuyển đổi năng lượng, vận tải biển, vận tải đường bộ, hàng không, phát triển thành phố xanh và thông minh.

Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang sắp xếp lại; nâng cao năng lực logistics; khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; nguồn nhân lực, thu hút FDI chất lượng.

Sáu tháng đầu năm 2022, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam vượt kịch bản đề ra, GDP quý II tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011.

Sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu đạt 371,4 tỷ USD, tăng 16,4% so với 2021, trong đó xuất khẩu đạt 186 tỷ USD, tăng 17,3%.

Về thách thức, theo ông Hưng, đó là nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái, các vấn đề an ninh truyền thống, xử lý quan hệ với các đối tác ngày càng phức tạp; tác động của xung đột tại Ukraine; các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày một khó lường.

Tại Hội nghị, bà Lâm Thị Quỳnh Anh, Trưởng phòng Hội nhập Kinh tế quốc tế trong nước, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) thông tin về các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Theo bà Quỳnh Anh, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 3 FTA, các cơ hội - thách thức, quyền lợi - trách nhiệm của doanh nghiệp luôn song hành.

Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Chủ trương của Việt Nam hiện nay là hội nhập toàn diện với 3 trụ cột: hội nhập quốc tế về kinh tế; hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng; hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo.

Trong đó, hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội.

Hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước”.

Với chính sách hội nhập kinh tế quốc tế đúng đắn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam là một trong những điểm sáng của nền kinh tế trong thời gian qua.

Bà Quỳnh Anh thông tin, tính tới thời điểm hiện tại, tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã đầu tư tổng cộng 17,74 tỷ USD với 8 nhà máy sản xuất và nghiên cứu tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, hay tập đoàn Apple (Mỹ) cũng có hệ thống 31 nhà máy đối tác tại 14 địa phương trên cả nước.

Cũng theo bà Lâm Thị Quỳnh Anh, với các FTA Việt Nam đã tham gia, để tận dụng cơ hội và tránh những thiệt thòi đáng tiếc, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về các cam kết, tìm hiểu kỹ về thị trường các nước thành viên FTA.

Trong đó, để chủ động đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần thường xuyên trao đổi thông tin với đối tác nhập khẩu; cập nhật thông tin cảnh báo sớm; hoàn thiện sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế; tham gia tích cực vào quá trình điều tra, phối hợp tích cực với cơ quan điều tra.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng cần sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cần thiết (như chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp…) để tự bảo vệ mình khi giao thương với đối tác nước ngoài.

Đồng thời, theo bà Quỳnh Anh, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc áp dụng các tiêu chuẩn, kỹ thuật, tuân thủ quy định của thị trường đối tác; áp dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý; xây dựng chiến lược, lựa chọn khách hàng, lựa chọn thị trường.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hải An)

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đưa ra các lưu ý đối với việc xuất khẩu nông sản Việt Nam trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới.

Bà Trang cho rằng, nông sản là nhóm Việt Nam tập trung yêu cầu đối tác FTA mở cửa thị trường mạnh. Thêm vào đó, phần lớn nông sản Việt Nam có khả năng đáp ứng cao với quy tắc xuất xứ FTA, đây cũng là nhóm một số đối tác FTA sẵn sàng mở cửa cho nước ta.

Đánh giá về xuất khẩu nông sản giai đoạn 2017-2021, về mặt tích cực, theo bà Trang, đó là: Mức độ tận dụng ưu đãi thuế quan khá tốt, nhiều sản phẩm xuất hiện trong tốp đầu về tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng ưu đãi FTA (như gỗ, thủy sản, rau quả, cao su…); có mức tăng trưởng khá, mặc dù có giai đoạn chững lại nhưng đã có dấu hiệu phục hồi; một số mặt hàng có tăng trưởng rất mạnh dưới tác động của FTA.

Về mặt hạn chế, bà Trang nhận định, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng chung của tất cả các mặt hàng; xuất khẩu nông sản vào các thị trường FTA biến động qua các năm, theo từng thị trường; tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA cao nhưng không ổn định.

Từ đó, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI khuyến nghị, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ 3 vấn đề:

Một là, về các FTA, doanh nghiệp cần hiểu rõ cơ hội từ FTA cho nông sản, đặc biệt là thuế quan; các điều kiện tận dụng như quy tắc xuất xứ.

Hai là, về thị trường, cần tìm hiểu rõ đặc điểm thị trường, các yêu cầu của thị trường; cập nhật tình hình, cảnh báo xu hướng…

Ba là, về cách thức, doanh nghiệp có thể tự mình sản xuất, xuất khẩu; tham gia vào chuỗi sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp đầu mối.