📞

Hồi phục với tốc độ thần tốc, ngành du lịch 'thổi lửa' cho kinh tế Trung Quốc

Kim Nhung 19:31 | 29/03/2023
Lượng đặt vé máy bay ở một số đô thị của Trung Quốc đã phục hồi về mức trước đại dịch và nhiều chuyến đi quốc tế dự kiến sẽ được triển khai trong những tháng tới, báo hiệu những tín hiệu vui cho ngành du lịch Trung Quốc.
Du lịch bằng đường hàng không đang tăng vọt tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Trong ba tuần đầu tiên của tháng Ba, lượng đặt vé máy bay tại một số thành phố của Trung Quốc như Tam Á, Thành Đô, Hàng Châu và Quảng Châu đã vượt quá con số cùng kỳ năm 2019, theo công ty đặt vé du lịch trực tuyến Qunar.com.

Du lịch bằng đường hàng không ở nhiều thành phố như Nam Kinh, Bắc Kinh, Vũ Hán và Đại Liên cũng đã phục hồi hơn 90% so với năm 2019.

Hàng không, du lịch và khách sạn là một trong những khối ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Kể từ khi Trung Quốc chính thức dỡ bỏ chính sách Zero-Covid từ tháng 12/2022, hoạt động kinh doanh nhanh chóng được mở lại và ngành du lịch được báo hiệu sẽ sớm hồi phục, sôi động như thời điểm trước dịch.

Ngay từ đầu năm, Hải Nam với khí hậu nhiệt đới và Vân Nam với phong cảnh đẹp như tranh vẽ - hai tỉnh sở hữu những thắng cảnh nổi bật của Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về du lịch qua đường hàng không. Theo dữ liệu của Qunar, lượng đặt chuyến bay ở Tam Á đã tăng 45% trong ba tuần đầu tiên của tháng 3 so với cùng kỳ năm 2019, trong khi lượng đặt vé máy bay ở Đại Lý tăng 21%.

Các hãng lữ hành cũng ghi nhận lượng đặt vé máy bay quốc tế tăng đột biến, nhất là đến Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, trong khi giá vé cũng giảm so với tháng Hai. Số lượng các chuyến bay quốc tế đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia cũng đang tăng lên.

Theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, số lượng chuyến bay giữa đặc khu hành chính Hong Kong, Ma Cao và vùng lãnh thổ Đài Loan trong mùa bay Hè/Thu sắp tới cho đến cuối tháng 10 sẽ tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cùng thời gian, các chuyến bay của China Eastern Airlines tại sân bay quốc tế Hồng Kiều (Thượng Hải) dự kiến sẽ đạt 75,7% so với năm 2019.

Sự phục hồi nhanh chóng của các hoạt động du lịch cho thấy tín hiệu đầy hứa hẹn của ngành "công nghiệp không khói" của Trung Quốc sau gần 3 năm phong tỏa do đại dịch. Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp sức cho tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay.

Louis Kuijs, Chuyên gia kinh tế trưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, cho biết Trung Quốc đã nhanh chóng vượt qua đại dịch, với tính di động tăng lên nhanh chóng và sự tự tin cũng tăng lên.

“Chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay, dẫn đầu là tiêu dùng và dịch vụ", ông viết trong một báo cáo nghiên cứu hôm thứ Hai, điều chỉnh ước tính tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc thêm 0,7 điểm phần trăm lên 5,5%.

Dù vậy, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới. Tuần trước, Bộ Tài chính đã báo cáo doanh thu tài chính trong hai tháng đầu năm, theo đó giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Hôm 27/3, Cục Thống kê Quốc gia cho biết, lợi nhuận công nghiệp từ tháng 1 đến tháng 2 đã giảm 22,9% so với một năm trước đó, xuống còn 887,2 tỷ NDT (129 tỷ USD).

Cuối tuần qua, các quan chức Trung Quốc đã cam kết thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng gấp đôi nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng trong nước, sau khi Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay.

Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ngày 25/3, cố vấn Ngân hàng Trung ương Wang Yiming cho biết, nhu cầu trong nước là yếu tố sống còn trong việc củng cố nền kinh tế quốc gia và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định.

“Trung Quốc nên ưu tiên thúc đẩy tiêu dùng, loại bỏ các hạn chế và giải phóng tiềm năng [chi tiêu] bằng các biện pháp cải cách, đồng thời nới lỏng các hạn chế đối với mua bất động sản và ô tô", ông Wang Yiming nhấn mạnh.

(theo SCMP)