Những nam nữ sinh viên Việt Nam ngày ấy giờ đều trên 70 tuổi, người nhiều tuổi nhất cũng đã 80, nhưng họ vẫn giữ thói quen gặp nhau vào dịp này để cùng ôn lại quãng thời gian sinh viên sôi nổi với hàng loạt các hoạt động yêu nước, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam.
Một số tri thức Việt kiều trong căn phòng nhỏ tại số nhà 49 phố Emile Banning ở thủ đô Brussels. (Nguồn: TTXVN) |
Lần giở những bài viết đăng trên các tờ báo của Bỉ đã ố vàng theo thời gian nhưng vẫn được lưu giữ rất cẩn thận, ông Đỗ Tấn Sĩ - từng là nòng cốt phong trào sinh viên Việt Nam yêu nước ở Bỉ từ năm 1966 và nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Bỉ, bồi hồi nhớ lại quãng thời gian cách đây 50 năm với nhiều hoạt động có ý nghĩa của các sinh viên Việt Nam.
Đôi mắt của người cựu lãnh đạo thanh niên Việt kiều yêu nước, giờ đã hơn 80 tuổi, ánh lên niềm tự hào về những gì các du học sinh Việt Nam yêu nước thời ấy đã làm để góp tiếng nói của mình vào cùng phong trào đấu tranh trong nước.
Ngày ấy, trong căn phòng nằm ở tầng trệt số nhà 49 phố Emile Banning này, ông Sĩ và những người bạn của mình đã miệt mài chế tạo những tấm lưới để in các bức áp phích giới thiệu các hoạt động văn hóa, nghệ thuật do sinh viên Việt Nam biểu diễn ở các thành phố của Bỉ như Mons, Charleroi, Liège, Brussels, nhằm quyên góp ủng hộ cho phong trào đấu tranh trong nước, hay in các tài liệu tuyên truyền.
Rồi việc tập hợp các phong trào nhỏ lẻ ở các tỉnh tại Bỉ thành Ủy ban Bảo vệ quyền lợi sinh viên Việt Nam tại Bỉ hoạt động mạnh mẽ, cổ vũ cho các phong trào sinh viên yêu nước tại Pháp, Đức.
Cuộc đấu tranh ở Bỉ đã lên đỉnh điểm khi một nhóm sinh viên Việt Nam của trường Đại học Tự do Brussels (ULB) tuyệt thực để phản đối việc Sứ quán Việt Nam Cộng hòa đàn áp sinh viên Việt Nam.
Nhiều tờ báo lớn của Bỉ hồi đó đã đồng loạt đưa tin trên trang nhất, gây tiếng vang lớn khiến Sứ quán Việt Nam Cộng hòa phải xuống thang.
Kỷ niệm mà ông Đỗ Tấn Sĩ nhớ nhất và tự hào nhất là sáng 30/4/1975. Sau khi nhận được điện thoại chỉ đạo từ Paris, ông cùng ba sinh viên Việt Nam khác mặc những bộ quần áo đẹp nhất, thay mặt cho phong trào, đàng hoàng tới Sứ quán Việt Nam Cộng hòa, yêu cầu bảo quản tài sản để trao lại cho cách mạng, dưới sự chứng kiến của đông đảo sinh viên đến xin gia hạn hộ chiếu vào giờ phút chót.
Những bức áp phích giới thiệu các hoạt động văn hóa, nghệ thuật do sinh viên Việt Nam biểu diễn ở các thành phố của Bỉ như Mons, Charleroi, Liège, Brussels, nhằm quyên góp ủng hộ cho phong trào đấu tranh trong nước. (Nguồn: TTXVN) |
Là một trong những sinh viên tham gia tuyệt thực hồi đó, ông Nguyễn Bá Cường, 72 tuổi, cựu sinh viên toán ULB cũng rưng rưng xúc động nhớ lại thời thanh niên sôi nổi.
Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, được cha mẹ cho du học tại Pháp rồi sau đó sang Bỉ, ông Cường kể rằng lúc đầu ông chưa hiểu rõ về cuộc đấu tranh của Việt Nam nhưng càng tham gia phong trào sinh viên, ông càng được mở mang kiến thức và biết rằng những người cộng sản Việt Nam đấu tranh cho chính nghĩa.
Đặc biệt sau khi được nghe bài nói chuyện của bà Nguyễn Thị Bình, với tư cách là Trưởng đoàn đàm phán Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Paris năm 1973, ông càng có quan điểm rõ ràng, ủng hộ cho các phong trào yêu nước của sinh viên Việt Nam tại Bỉ và trở thành một thành viên rất tích cực.
Hơn nửa thế kỷ sinh sống và làm việc tại Bỉ, ông Nguyễn Bá Cường cho rằng cộng đồng người Việt Nam ở Bỉ ôn hòa, mỗi người đều có nhận thức, quan điểm chính trị riêng nhưng quan trọng là biết tôn trọng nhau và hòa hợp dân tộc. Tất cả đều cùng đóng góp sức mình để phát triển đất nước Việt Nam.
Những cựu sinh viên Việt Nam yêu nước tại Bỉ trước kia hiện nay đều là những thành viên tích cực của Hội người Việt Nam tại Bỉ và vẫn luôn có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về quê hương, đất nước, đặc biệt tổ chức nhiều sự kiện để các thế hệ Việt Nam tại Bỉ sau này hiểu rõ hơn về lịch sử của dân tộc.