📞

Hồi sinh nét đẹp văn hóa dân tộc thiểu số, tạo sức bật cho du lịch Bình Thuận

Tâm Thanh 11:37 | 29/04/2022
Baoquocte.vn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đồng ý để tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023. Sự kiện này được coi là dấu ấn tạo sức bật mới cho du lịch Bình Thuận, đặc biệt góp phần gìn giữ văn hóa tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Lễ hội Katê của đồng bào dân tộc Chăm ở Bình Thuận. (Nguồn: Báo Pháp luật Plus)

Phục dựng nhiều lễ hội lớn

Hiếm có nơi nào như Bình Thuận, các điểm đến du lịch với cảnh quan, văn hóa đặc sắc hiện diện ở khắp các địa phương trong tỉnh, đặc biệt tập trung đông ở những vùng có nhiều bà con dân tộc thiểu số.

Điển hình trong số này phải kể đến lễ hội Katê của đồng bào Chăm - một trong các lễ hội văn hóa tiêu biểu của Bình Thuận có sức hấp dẫn du khách. Hay Lễ hội Ramưvan của đồng bào Chăm theo đạo Bà Ni, khiến du khách một lần đặt chân đến đều đặc biệt thích thú và mong trở lại tham quan, trải nghiệm nét văn hóa gắn với đời sống của cộng đồng các dân tộc ở vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ.

Được biết, đồng bào người dân tộc Chăm ở Bình Thuận có khoảng 40.000 người, là cộng đồng người dân tộc thiểu số có số dân đông nhất, sinh sống tập trung và xen ghép tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân.

Để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đẩy mạnh phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc, những năm gần đây, Bình Thuận đã khôi phục, làm mới nhiều lễ hội.

Năm 1999, lễ hội Nghinh Ông của người Hoa ở Phan Thiết tại Quan Đế miếu, phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết tổ chức phục dựng lại sau gần 70 năm không thực hiện và được đông đảo người Hoa ở địa phương, các tỉnh lân cận đồng tình hưởng ứng. Từ đó đến nay, cứ 2 năm lễ hội duy trì tổ chức 1 lần.

Đặc biệt Lễ hội Katê của người Chăm tại di tích tháp Pô Sah Inư được phục dựng lại năm 2005 sau gần 50 năm không tổ chức. Từ đó đến nay, hàng năm Ban Quản lý di tích thuộc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đều duy trì tổ chức đều đặn, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Chăm trong tỉnh và nhu cầu khám phá, tìm hiểu của du khách.

Sau gần 2 thập kỷ phục dựng, Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư đã đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm và trở thành linh hồn của các hoạt động văn hóa tinh thần; chứa đựng nhiều giá trị tín ngưỡng dân gian và tôn giáo.

Với nhiều giá trị chứa đựng, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội truyền thống Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đẩy mạnh xúc tiến, đầu tư

Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc, Bình Thuận là điểm đến được du khách yêu thích. Tuy nhiên, để định vị được thương hiệu, xác lập nhiều điểm đến có sức hấp dẫn riêng của vùng đất nhiều cảnh quan đặc sắc, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - lưu ý tỉnh Bình Thuận, trên cơ sở thế mạnh của địa phương cần định vị và làm mới hơn các sản phẩm du lịch. Phải làm rõ sản phẩm nào sẽ là thế mạnh, là thương hiệu của địa phương, nếu không sẽ lẫn với các địa phương lân cận. Từ đó để đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi đầu tư để phát triển các thế mạnh du lịch trên địa bàn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho hay, trước mắt cần phải thành lập Ban tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 để lên phương án, lộ trình thực hiện cụ thể, bài bản vì còn rất nhiều việc phải làm và đây mới chỉ là một trong những bước đầu tiên.

Bình Thuận đầu tư hàng trăm tỷ đồng cải thiện đời sống kinh tế, xã hội vùng dân tộc miền núi. (Nguồn: Báo Bình Thuận)

Được biết, những năm qua, bằng nhiều nguồn lực, tỉnh Bình Thuận đã tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh tế-xã hội; nâng cao đời sống kinh tế của các hộ dân, trong đó có nhiều đồng bào Chăm được cải thiện, chuyển biến tích cực.

Điển hình như Chương trình 135, qua nhiều năm triển khai thực hiện, tỉnh Bình Thuận đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi, đường giao thông, trường học, trạm y tế, chợ thương mại, hệ thống kênh mương, các công trình nước sinh hoạt tập trung... cho vùng dân tộc miền núi.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo xuyên suốt. Đến nay, ngành văn hóa đã thành lập các đội văn nghệ dân gian Chăm, câu lạc bộ hát Then của dân tộc Nùng; tập hợp các thanh thiếu niên tham gia vào nhóm lớp sử dụng các nhạc cụ dân tộc như đánh trống Ghi năng, trống Paranưng, thổi kèn Saranai, hát dân ca, vũ điệu Chăm; nghiên cứu Luật tục của đồng bào Chăm, Raglai, Cờho và Chơro phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở.

Công tác bảo tồn, phát huy các lễ hội dân gian truyền thống được quan tâm; nhiều lễ hội truyền thống lớn của đồng bào dân tộc thiểu số đã được phục dựng và tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo người dân tham dự, lễ hội văn hóa dân gian của các dân tộc được diễn ra theo đúng nghi thức và tập tục truyền thống với mục đích và ý nghĩa của lễ hội…

Ngành du lịch Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025 đón 8,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế từ 10-12%; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 18-20%/năm; du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh 10-11%.