Nhỏ Bình thường Lớn

Hội thảo khoa học “Thành tựu nhân quyền Việt Nam 70 năm qua”

Sáng 9/12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thành tựu nhân quyền Việt Nam 70 năm qua” nhân dịp 70 năm thành lập nước Việt Nam và 70 năm ra đời Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ).
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh quyền con người trong các quan hệ quốc tế ngày nay. (Ảnh: Trang Trần)

Hội thảo có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Tạ Ngọc Tấn, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ngô Đức Mạnh, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Võ Khánh Vinh, Chánh Văn phòng nhân quyền (Ban chỉ đạo nhân quyền Chính phủ) Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nghiêm.

Hội thảo còn có sự tham dự của nhiều đại biểu, chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các Bộ, ban, ngành trung ương và đại diện các Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc và báo cáo dẫn đề Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Tạ Ngọc Tấn khẳng định, mục tiêu của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, từ cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân đến công cuộc Đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng như ngày nay, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tất cả vì con người,vì quyền con người cao cả. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người là một trong những nguyên tắc quan trọng của chế độ pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam.

Tóm lược quá trình Việt Nam tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, với chủ trương nhất quán không ngừng nỗ lực để đảm bảo sự thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do cơ bản của mọi người dân, trong suốt 70 năm qua, Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người với các nước và các tổ chức quốc tế trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

Bên cạnh đó, ông Hà Kim Ngọc cũng bày tỏ tin tưởng vào việc triển khai nghiêm túc và đầy đủ các nghĩa vụ theo các công ước và cam kết quốc tế của Việt Nam, cũng như tin tưởng vào sự đóng góp ngày càng tích cực hơn của Việt Nam đối với giá trị chung về quyền con người ở phạm vi khu vực và toàn cầu.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận với nội dung đa dạng, đề cập đến mọi khía cạnh, vấn đề của việc đảm bảo quyền con người như: Bản chất của chế độ XHCN và mục tiêu hoạt động của Nhà nước Việt Nam; Quyền con người trong các quan hệ quốc tế ngày nay; Phát triển kinh tế, bảo đảm quyền con người; Thực thi dân chủ và việc bảo vệ quyền con người trong thời kỳ Đổi mới ở Việt Nam…

Ngoài việc nêu bật những thành tựu trong lĩnh vực nhân quyền của Việt Nam trong 70 năm qua, các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị nhằm đảm bảo quyền con người hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Cụ thể là, Quốc hội cần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát tối cao, giám sát chuyên đề, nhất là trong lĩnh vực tư pháp, hình sự trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chính phủ cần thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đồng thời, tuyên truyền, giáo dục và đào tạo về quyền con người, nghiên cứu chuẩn hóa môn học về quyền con người để giáo dục cho đội ngũ cán bộ, công chức toàn quốc.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã chứng kiến lễ trao tặng sách chuyên khảo “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp Việt Nam” giữa đại diện Văn phòng Thường trực về Nhân quyền và Viện Thông tin Khoa học.

Trang Trần