📞

Hội thảo Quốc tế Biển Đông lần thứ 10: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực

17:08 | 08/11/2018
Ngày 8/11, tại thành phố Đà Nẵng, Học viện Ngoại giao, Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế Biển đông lần thứ 10 với chủ đề Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực. Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các quan chức ngoại giao trong nước và quốc tế. 

Hội thảo được chia làm 8 phiên theo các chủ đề như: Biển Đông: Trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – châu Á - Thái Bình Dương; Biển Đông tiêu điểm: 10 năm nhìn lại; Lập trường và yêu sách của các bên: Tiếp nối và điều chỉnh; Các nước lớn: Can dự hay không can dự?; Xây dựng lực lượng trên Biển Đông; Xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và giải quyết tranh chấp; Các nhân tố mới có thể tạo bất ổn trên Biển Đông; Trật tự và bất ổn trên Biển Đông: Tổng kết quá khứ và định hình tương lai.

Phiên khai mạc Hội thảo Quốc tế Biển Đông lần thứ 10 với chủ đề Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực. (Nguồn: TTXVN)

Tại phiên khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết: Thập kỷ qua chứng kiến gia tăng kết nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cùng với các tác động lớn lao của tiến trình này tới nền chính trị châu Á và quốc tế trong thế kỷ 21. Nằm ở nơi giao kết giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và là điểm trung chuyển từ lục địa Á - Âu ra đến đại dương, Biển Đông được coi là điểm khởi đầu của những thay đổi lớn lao ở khu vực.

Trong bối cảnh đó, trong Phiên 1, các đại biểu sẽ xem xét bối cảnh địa chính trị rộng lớn của khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương để đánh giá tầm quan trọng của Biển Đông trong chiến lược cạnh tranh địa chính trị. Phiên này tìm hiểu mối liên hệ giữa những sự kiện trên Biển Đông với diễn biến ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Biển Hoa Đông cũng như với cục diện địa chính trị chung của toàn bộ khu vực.

Với tư cách là chủ tọa phiên 2, bà Cleo Paskal, nhà nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Chiến lược Hoàng gia Anh, Chatham House, Vương quốc Anh chia sẻ: Phiên 2 sẽ đánh giá tình hình Biển Đông hiện nay trong tương quan với 10 năm trước, qua đó phác họa những nguyên trạng cũng như những thay đổi trên thực địa, trong đánh giá của các chính phủ và trong quan hệ giữa các bên có liên quan.

Phiên này xem xét các cách ghi chép lịch sử và câu chuyện khác nhau từ cùng một sự việc để xác định những điểm tương đồng và khác biệt về mặt tư duy, nhận thức và diễn giải, những yếu tố làm sai lệch thực tế và gây phức tạp thêm cho vòng luẩn quẩn hành động và phản ứng qua lại. Theo sát những thăng trầm của mức độ căng thẳng, các diễn giả sẽ tìm cách nhận diện những nguyên nhân cơ bản dẫn đến những thay đổi cả về thực tiễn và tư duy.

Giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Chương trình Chính sách và luật biển, Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh: Phiên 3 cung cấp đưa ra tổng kết về quan điểm và yêu sách của các bên tranh chấp trong một thập kỷ qua. Các diễn giả phân tích các tuyên bố chính thức và văn bản lập pháp của từng bên để xác định những điểm có tính tiếp nối cũng như thay đổi trong cách áp dụng và diễn giải luật biển. Thông thường, xác định các nhân tố quan trọng đằng sau sự kiên định hoặc linh hoạt là cần thiết, để nhận thức rõ quan điểm và cách tiếp cận của các bên đối với trật tự pháp lý trên biển hiện nay. Phản ứng của bên yêu sách liên quan đến phán quyết trong vụ kiện lịch sử giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016 là đặc biệt quan trọng bởi nó phản ánh cách thức các tiến trình pháp lý có thể ảnh hưởng tới hành vi của các chủ thể liên quan...

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo. (Nguồn: TTXVN)

Ông Robert Harris, Trợ lý Cố vấn Pháp lý về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ: trong phiên 6, các đại biểu xem xét các tiến trình xây dựng niềm tin, ngoại giao phòng ngừa và nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Mặc dù căng thẳng luôn hiện hữu, nhưng thập kỷ qua cũng có một số diễn biến tích cực. Sau khi thống nhất về khuôn khổ chung, ASEAN và Trung Quốc bắt đầu đi vào đàm phán nội dung thực chất của một bộ quy tắc ứng xử từ đầu năm 2018. Hai bên đã vận hành đường dây nóng để xử lý các tình huống khẩn cấp và thảo luận về mở rộng áp dụng CUEs (Bộ quy tắc về các vụ đụng độ không báo trước trên biển ) đối với các tàu cảnh sát biển. Một số bên đang tiến hành đàm phán về khai thác chung và phân định biển. Trong bối cảnh như vậy, các diễn giả sẽ đánh giá những cơ chế quan trọng nhất và xem xét triển vọng của những quá trình này trong tương lai…

Tại các phiên thảo luận, các chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ tập trung phân tích những hoạch định chiến lược hoặc xu thế tại khu vực Biển Đông, đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới; từ đó hướng tới một môi trường đảm bảo an ninh để cùng nhau phát triển mạnh mẽ trong khu vực.

Hội thảo diễn ra đến ngày 9/11.

(theo TTXVN)