Sau hai ngày làm việc với tinh thần “thẳng thắn, khách quan, khoa học và cầu thị”, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận trong 7 phiên làm việc chính, nghe trình bày khoảng 30 bài tham luận và đóng góp hơn 100 ý kiến tranh luận, phản biện.
Các chủ đề chính đã được bàn luận trong chương trình nghị sự của hội thảo gồm nguồn gốc lịch sử của tranh chấp, xu thế vận động của tranh chấp trong tương lai, tác động từ phán quyết của vụ kiện Philippines – Trung Quốc, chiến lược của các nước liên quan, sự tương tác và phối hợp của các lực lượng trên biển và cơ chế quản lý căng thẳng ở Biển Đông.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: Thùy Anh) |
Tiếp cận khoa học biển từ khía cạnh chính trị, kinh tế trong quá khứ
Ngay từ phiên đầu tiên, Hội thảo gây được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự với các tham luận về lịch sử tranh chấp Biển Đông, một lĩnh vực còn nhiều ẩn số và nhiều dư địa nghiên cứu. TS. Gerard Sasges của Trường Đại học Quốc gia Singapore cho rằng: “Việc mở ra một số giai đoạn trong lịch sử và cách tiếp cận khoa học biển từ khía cạnh chính trị, kinh tế trong quá khứ có thể làm sáng tỏ về mối tương quan của khoa học, chính trị và kinh tế trong hiện tại.”
Lần đầu tham dự Hội thảo, TS. Ulises Granados đến từ Viện Công nghệ Mexico đề xuất: “Nghiên cứu lịch sử nên chú ý tới các hoạt động kinh tế biển do các cư dân địa phương tiến hành trong quá khứ để làm nổi bật quá trình phát triển kinh tế của các cộng đồng trên Biển Đông.”
Về bối cảnh hậu phán quyết của vụ kiện giữa Philippines -Trung Quốc, các học giả nhất trí rằng phán quyết đã mở ra triển vọng về việc giải quyết và quản lý tranh chấp tại Biển Đông thông qua các biện pháp pháp lý. Tuy nhiên, các quốc gia này cũng cần phải đánh giá lại các yêu sách biển của mình theo tinh thần phán quyết của Tòa và phù hợp với các điều khoản của UNCLOS.
Không chỉ là chủ đề chính trong phiên làm việc về luật quốc tế, phán quyết của Tòa trọng tài còn được bàn luận trong mối tương quan với cục diện chính trị khu vực và những tác động đến nghĩa vụ bảo vệ môi trường của các bên liên quan.
Về dự đoán xu thế vận động của tình hình Biển Đông trong năm 2017 và xa hơn nữa, Hội thảo đã được lắng nghe ý kiến của các học giả đến từ nhiều nước liên quan đến tranh chấp gồm Trung Quốc, Mỹ, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Dù nhìn từ những góc độ khác nhau, nhưng các học giả đều đồng tình rằng tình hình Biển Đông khá hòa dịu và ổn định sau phán quyết ngày 12/7/2016. Tuy nhiên, Bắc Kinh không hề thay đổi mục tiêu lâu dài tại Biển Đông. Theo ông Greg Poling (Giám đốc AMTI, CSIS, Mỹ), “các nước liên quan đến tranh chấp đang chuẩn bị cho viễn cảnh căng thẳng gia tăng trong khi vẫn mở cửa cho Trung Quốc xuống thang”.
Đánh giá về chiến lược và chính sách của cường quốc đối với Biển Đông, Michael McDevitt (Trung tâm Phân tích Hải quân, Mỹ) đưa ra quan điểm cá nhân rằng, động lực chính thúc đẩy các hoạt động xây dựng đảo của Bắc Kinh có lẽ là do cách nghĩ của nước này cho rằng mục tiêu chiến lược của “tái cân bằng” là kiềm chế Trung Quốc. Theo GS. Thời Ân Hoàng (Đại học Nhân dân Trung Quốc), “chính sách đối ngoại của Trung Quốc – liên quan đến Mỹ và các nước láng giềng Châu Á – có vẻ như đã bị “khóa chặt” vào cạnh tranh chiến lược biển. Và hiện nay, Trung Quốc cần tập trung vào nhiệm vụ đối nội cấp bách hơn là nỗ lực đối ngoại nhằm gia tăng ảnh hưởng”.
Cần ý chí chính trị của các bên
Đối với khía cạnh tương tác và phối hợp trên biển, các đại diện đến từ lực lượng hải quân và chấp pháp biển của các nước chia sẻ quan điểm rằng các bên cần chủ động gặp gỡ giải quyết các vấn đề phức tạp xảy ra trên vùng biển ngay từ cơ sở, không để leo thang xung đột. Hơn hết, cần phải có ý chí chính trị của tất cả các bên liên quan đến an ninh biển để nhượng bộ lẫn nhau, duy trì tự kiềm chế, và tránh gây tổn thất cho bên khác để tìm kiếm lợi thế đơn phương.
Theo Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam, “một trong các nhóm giải pháp để giải quyết các vấn đề an ninh biển là cần phải có cơ chế đối với các đụng độ trên biển và trên không, tuần tra hải quân chung ở vùng biển chồng lấn và liên lạc đường dây nóng".
Các học giả đều lập luận rằng biển và đại dương ngày càng có vai trò quan trọng trong bối cảnh các quốc gia đều cố gắng kết nối với nhau. Theo đó, các sáng kiến hợp tác kinh tế trên biển, hợp tác nghề cá, khai thác chung các nguồn năng lượng và hợp tác bảo vệ môi trường biển sẽ giúp các quốc gia xích lại gần nhau và góp phần giảm thiểu nguy cơ leo thang căng thẳng.
Nhận được nhiều kỳ vọng nhất từ các đại biểu tham dự có lẽ là phiên thảo luận về các cơ chế quản lý căng thẳng ở Biển Đông. Các bài tham luận không chỉ đánh giá những cơ chế pháp lý cũng như hợp tác hiện có tại khu vực mà còn hướng đến những khả năng thiết lập các cơ chế mới. Đáng chú ý, bà Elina Noor (Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Malaysia) đã đánh giá về khía cạnh không gian mạng trong tranh chấp Biển Đông. Bà Elina nêu ý kiến cho rằng việc hợp tác giữa các nước trong tranh chấp và các nước liên quan trong khu vực về thu thập thông tin tình báo hoặc gián điệp là một thách thức khó khăn nhưng là cần thiết để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Nét mới của Hội thảo năm nay là ngoài 7 phiên làm việc chính, Hội thảo đã tổ chức một phiên thảo luận riêng cho Nhóm lãnh đạo trẻ và một phiên thảo luận tự do. Đại diện của Nhóm lãnh đạo trẻ đã trình bày quan điểm về cách thức thúc đẩy hợp tác Biển Đông. Rất nhiều sáng kiến mới và có tính khả thi cao về quản lý tranh chấp Biển Đông được kiến nghị như: hợp tác đệ trình chung giữa Việt Nam, Malaysia và Philippines lên Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa; thiết lập bộ quy tắc ứng xử dành cho các lực lượng chấp pháp trên biển; khởi động các dự án chung về môi trường như du lịch sinh thái hay nghiên cứu tác động môi trường, thành lập mạng lưới các tổ chức xã hội tại khu vực nhằm tiếp cận các vấn đề quyền của ngư dân hay các thách thức an ninh phi truyền thống khác.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định, hội thảo đã thảo luận sâu nhiều khía cạnh ở Biển Đông, góp phần đạt được những nhận thức chung về những diễn biến trong khu vực. Tình hình Biển Đông trong thời gian tới có thể chịu tác động trái chiều từ nhiều khó khăn thách thức, diễn biến phức tạp, khó lường ở các khu vực khác trên thế giới. Vì vậy các bên cần có cách tiếp cận xây dựng, tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ luật pháp quốc tế.