Theo đại diện của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, tuy các hoạt động nghiên cứu đặt ra nhiều mục tiêu khác nhau nhưng việc công bố các kết quả của các tác giả trong nước trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín đã trở thành một đòi hỏi quan trọng.
Một cuộc tọa đàm khoa học tại Đà Nẵng. (Nguồn: TTXVN) |
Tuy nhiên, tổng hợp từ hệ thống các kết quả nghiên cứu khoa học vào năm 2016 cho thấy, Việt Nam hiện có 2.026 tác giả có công bố quốc tế; 2.187 bài báo quốc tế được trích dẫn; 9.382 lượt trích dẫn cho các xuất bản phẩm khoa học từ Việt Nam… Đây là con số khiêm tốn, đặc biệt trong bối cảnh việc công bố quốc tế ngày càng được coi là thước đo khách quan cho trình độ và xếp hạng năng lực nghiên cứu khoa học của các quốc gia.
Điều này, ngoài những nguyên nhân khách quan, còn có những lý do như phương thức tiếp cận, tìm hiểu, nắm bắt đối với các cơ quan xuất bản có uy tín khoa học trên thế giới.
Vẫn theo đại diện Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia, chuỗi Hội thảo tập huấn nghiên cứu và công bố quốc tế R123 do đơn vị này và Innovative Education Service sẽ trang bị nhiều kỹ năng cho người tham dự. Đó là phương pháp xây dựng đề cương nghiên cứu và thực hành nghiên cứu hiện đại; phương pháp nghiên cứu trong Đổi mới sáng tạo; tối ưu hoá chất lượng công trình nghiên cứu, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn học thuật quốc tế nghiêm ngặt trong xuất bản các công trình nghiên cứu; bí quyết viết bài và công bố quốc tế; tư vấn hỗ trợ các trường đại học đạt thứ hạng cao thông qua nghiên cứu chất lượng…
Trong khuôn khổ sự kiện, xen kẽ quá trình hội thảo, tập huấn tập trung từ ngày 23-24 tại Hà Nội và 26-27 tại Thành phố Hồ Chí Minh trong ba tháng 10, 11, 12 là khoảng thời gian hỗ trợ trực tuyến đến tháng 12 tới.
Sự kiện này hướng tới đối tượng tham gia là cán bộ nghiên cứu, nghiên cứu sinh, sinh viên bậc cao học, đại học và cán bộ quản lý tại các đơn vị có định hướng phát triển nghiên cứu. Chương trình hội thảo tập huấn có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu đến từ Australia, Singapore, Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc).
Cùng với việc được hỗ trợ nhằm đáp ứng tiêu chuẩn học thuật quốc tế trong việc công bố, thêm cơ hội và kinh nghiệm kết nối với cộng đồng nghiên cứu quốc tế…, học viên tham dự còn được sử dụng các nguồn tin điện tử học thuật và công cụ phân tích số liệu cao cấp như: Science Direct, Scopus, Springer, IEEE, Web of Science, Ithenticate, EEWOWW, Kudos… trong vòng 12 tháng.