📞

Hội Tin học Việt Nam tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ VIII

00:00 | 17/02/2017
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn trong nhiệm kỳ mới Hội Tin học Việt Nam phát huy mạnh mẽ vai trò, tiếng nói trong xây dựng, góp ý, phản biện hay đánh giá độc lập về chủ trương, chính sách phát triển công nghệ thông tin (CNTT).

Sáng 17/2, Hội Tin học Việt Nam tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2021.

Ông Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam cho biết, trong thời gian qua Hội Tin học Việt Nam có nhiều hoạt động rất sôi nổi, kết nối cộng đồng CNTT với nhau và với các cộng đồng khác, đặc biệt là kết nối giữa DN CNTT với Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Hội Tin học Việt Nam thay đổi cách làm, đổi mới phương thức trong tất cả hoạt động thay vì “theo thói quen”, thụ động.

Hội cũng luôn sát cánh cùng Chính phủ trong tư vấn, phản biện đối với quá trình xây dựng và thực hiện chính sách về phát triển CNTT; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hội, hiệp hội tổ chức hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiện rộng rãi trong giới CNTT làm cơ sở cho các đề xuất, kiến nghị với Nhà nước về chính sách phát triển CNTT...

Đến nay, Hội đã có gần 50.000 hội viên cá nhân, 40 hội thành viên các tỉnh thành, 23 chi hội Trung ương cùng hàng ngàn đơn vị hội viên tập thể trên các tỉnh, thành cả nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng và biểu dương Hội Tin học Việt Nam đã nỗ lực và đạt được kết quả toàn diện trên các mặt hoạt động từ tư vấn, phản biện chính sách, dự án về CNTT; xây dựng các chỉ tiêu đánh giá xếp hạng CNTT, đến hỗ trợ phát triển DN, thị trường, nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế...

Phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng CNTT không chỉ là một ngành kinh tế có đóng góp trực tiếp rất đáng kể mà còn góp phần tạo môi trường cho sự chỉ đạo, điều hành chung của đất nước và sự phát triển của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh dù hơn 20 năm qua Việt Nam tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới nhưng không thể hài lòng với tốc độ phát triển như hiện nay bởi các quốc gia khác cũng phát triển rất nhanh. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 7%/năm thì 20 năm tới quỹ đạo phát triển của Việt Nam sẽ không ra khỏi “bẫy” thu nhập trung bình, còn để bắt kịp các nước công nghiệp mới thì tốc độ tăng trưởng ít nhất phải từ 8-9%/năm, cùng với đó là phải phát triển bền vững, không ảnh hưởng tới tương lai, bảo đảm công bằng xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, đất nước muốn phát triển nhanh hơn, trong nhiều việc thì có hai việc rất quan trọng là làm sao hoạt động điều hành của bộ máy Nhà nước, ở tất cả các cấp, phải vận hành làm sao bớt đi những vướng mắc cho DN, người dân. Thứ hai là phải tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ, đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia.

“Đường đi đã rất rõ. Riêng đối với Hội Tin học Việt Nam, các đồng chí cần xác định vai trò trung tâm của các hội viên là DN và phải biến định hướng đó thành hành động thực sự. Các hội viên ở trong các cơ quan nhà nước phải cùng hợp tác với hội viên là DN để tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại hiện nay”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng và Ban Chấp hành Hội Tin học Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2021 và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo trong lĩnh vực CNTT, viễn thông.

Trước hết, Hội cần thay đổi cách làm, đổi mới phương thức trong tất cả hoạt động thay vì “theo thói quen”, thụ động để Hội, thực sự là nơi tập hợp được các DN hội viên, đứng ở phía DN, để tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa vào quá trình xây dựng, góp ý, phản biện các chính sách liên quan đến hoạt động của các hội viên, nhất là các DN CNTT.

“Ngay ở một địa phương các đồng chí phải xem DN ở đó vướng cái gì để tập hợp ý kiến, góp ý với chính quyền. Hội có thể tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu về từng vấn đề cụ thể, kiến nghị với cơ quan quản lý, không để tình trạng văn bản chính sách ban hành không thực hiện được”, Phó Thủ tướng nói và nhắn riêng tới lãnh đạo các cấp hội tin học địa phương, phần nhiều là lãnh đạo các sở thông tin và truyền thông, uy tín của một sở không phải là quản lý nhiều dự án, làm trực tiếp nhiều việc mà phải tạo được môi trường, huy động các DN, các sở, ngành khác cùng làm.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý Hội Tin học Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về CNTT nhưng phải giữ tiếng nói của một hội nghề nghiệp. Đơn cử là những đánh giá độc lập về chỉ số ứng dụng CNTT, Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến,…. Đánh giá càng độc lập nhất là độc lập với cơ quan quản lý Nhà nước thì càng tạo niềm tin trong xã hội, người dân, DN.

“Các đồng chí nên chọn một số việc tập trung làm, nghiên cứu, đóng góp cùng với Chính phủ. Ví dụ, Hội có thể nghiên cứu kỹ nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó mới đưa ra được các kiến nghị hết sức cụ thể để tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng này hay việc phát động các phong trào giống như phong trào ‘Bình dân học vụ’ trước đây để ‘xóa mù’ công nghệ cho người dân mà đầu tiên là CNTT, tin học”, Phó Thủ tướng gợi ý.

Điểm cuối cuối cùng Phó Thủ tướng mong muốn là bên cạnh những hoạt động mang tính truyền thông, phổ biến kiến thức CNTT, Hội nên có những giải thưởng về CNTT có thể không nhiều nhưng thực sự có uy tín trong ngành và đặc biệt là trong xã hội.

Phó Thủ tướng chúc Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới của Hội Tin học Việt Nam sẽ có một khí thế mới, cùng với cả nước tiếp thêm sức mạnh sáng tạo để tận dụng tốt nhất thời cơ từ sự phát triển khoa học công nghệ của thế giới.