Hôm nay, học sinh mầm non tại Hà Nội đến trường. (Nguồn: Lao động) |
Thiếu giáo viên tư thục
Trước đó, các trường mầm non trên địa bàn Hà Nội đều huy động nhân lực chuẩn bị cơ sở vật chất để đón học sinh đi học trở lại vào ngày 13/4. Các phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng thành lập đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị ở trường mầm non.
Ghi nhận tại một số trường mầm non, sau gần một năm nghỉ học, cơ sở vật chất, đồ chơi ngoài trời phần lớn hỏng hóc do quá lâu không sử dụng.
Trên mạng lưới thông tin trường mầm non tư thục Hà Nội, có hàng loạt thông tin đăng tuyển giáo viên mầm non để chuẩn bị mở cửa trường trở lại.
Mức lương tuyển dụng cho từng vị trí trung bình từ 7-9 triệu với giáo viên chính thức và có chứng chỉ Montessori, giáo viên phụ với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người.
Cô Lê Thị Nam, một giáo viên tư thục ở quận Hoàng Mai cho biết, sau gần một năm nhà trường đóng cửa, cô làm đủ nghề, từ bán hàng trên mạng đến bán đồ ăn như rau, củ, khoai, chuối, giò, bánh cuốn… để duy trì thu nhập.
Nhiều đồng nghiệp của cô Nam, do không có thu nhập để duy trì tiền thuê nhà và chi tiêu sinh hoạt ở Hà Nội nên về quê hoặc chuyển hẳn sang nghề khác.
Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cho hay, các trường mầm non trên địa bàn mở cửa trở lại ngày 13/4 theo kế hoạch.
Được biết, ngay sau khi cấp tiểu học mở cửa trường học trở lại, quận này cũng cho các trường mầm non trên địa bàn rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất, phun khử khuẩn để chuẩn bị đón học sinh.
Mặc dù rơi vào ngày nghỉ nhưng Phòng GD&ĐT quận đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác trở lại trường học của các trường mầm non.
Ông Hữu cho hay: "Do thời gian nghỉ dịch quá lâu, địa bàn quận có khoảng 10 nhóm lớp tư thục xin giải thể vì không thể duy trì. Trường công lập có thể vận hành trơn tru, riêng khối tư thục thiếu giáo viên nhẹ.
Tổng cộng toàn quận hiện thiếu khoảng 100 giáo viên mầm non tư thục do giáo viên xin nghỉ hoặc chuyển đổi nghề nghiệp".
Tại Trường mầm non tư thục Thành Công (quận Tây Hồ), do trường học đóng cửa quá lâu nên nhiều giáo viên nghỉ việc. Đặc biệt, do thời gian dài không hoạt động nên khoảng 40% đồ chơi ngoài trời bị hoen gỉ nhưng chưa có kinh phí để mua sắm mới...
Khắc phục dần khi mở cửa
Trước đó, UBND TP Hà Nội có văn bản đồng ý cho trẻ mầm non toàn thành phố Hà Nội đi học trực tiếp tại trường từ ngày 13/4.
Như vậy, mầm non là cấp học cuối cùng của Hà Nội đi học trở lại sau gần một năm nghỉ học chống dịch.
Ghi nhận tại một số quận, huyện, tỷ lệ đăng ký cho học sinh mầm non trở lại trường khá cao.
Huyện Hoài Đức có 40 cơ sở giáo dục mầm non. Các nhà trường cũng đã hoàn tất khâu lấy kiến khảo sát phụ huynh. Kết quả, có tổng số 92,3% cha mẹ học sinh đồng ý cho con quay lại trường học trực tiếp. Tỷ lệ này tại quận Hoàn Kiếm là 84,2%.
Dù vậy, đây chỉ là số liệu khảo sát ban đầu. Đến ngày 13/4 tới, tỷ lệ trẻ đi học trực tiếp dự báo có thể sẽ cao hơn so với con số phụ huynh đăng ký trước đó.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh, với phương châm mở cửa trường học nhưng phải an toàn, các trường cả tư thục và công lập trên địa bàn đều phải có phương án phòng chống dịch trong suốt quá trình đi học trở lại.
Đặc biệt, các trường mở cửa sẽ tổ chức ngay việc ăn bán trú nên phải xây dựng thực đơn, khẩu phần chuẩn, khoa học và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Các trường mầm non trên địa bàn Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã hoàn thành công tác khử khuẩn, vệ sinh trường lớp sạch sẽ.
Phòng GD&ĐT quận này cũng yêu cầu 100% trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo các tiêu chí tại Hướng dẫn liên ngành, chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực y tế, xây dựng kế hoạch diễn tập xử lý khi có tình huống cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh là F0...
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, hiện thành phố có hơn 525.000 trẻ mầm non theo học tại 1.145 cơ sở giáo dục. Trong đó, số trẻ theo học tại các cơ sở tư thục là hơn 158.000, chiếm gần 30%.
Lãnh đạo Sở cũng cho biết, toàn thành phố hiện có 8 cơ sở giáo dục tư nhân thông báo giải thể, còn lại nhiều cơ sở gặp khó khăn, tuy nhiên, sẽ khắc phục dần khi mở cửa.
Sở này cũng yêu cầu, bên cạnh rà soát kỹ cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho trẻ, cần tập huấn kỹ càng đội ngũ, chuẩn bị các điều kiện phòng chống dịch Covid-19 khi mở cửa trường học trở lại.