📞

Hôm nay 25/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Anh, thảo luận Luật Công chứng

Anh Sơn 06:30 | 25/06/2024
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Anh; thảo luận dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và họp riêng...
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại phiên họp ngày 8/6.

Dự kiến, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV;

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội họp riêng để xem xét, quyết định nội dung thuộc thẩm quyền về công tác nhân sự.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục họp riêng để xem xét, quyết định nội dung thuộc thẩm quyền về công tác nhân sự.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.

* Về Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, sáng 8/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường.

Sau khi nghe Tờ trình, Báo cáo thuyết minh và Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Vương quốc Anh, các đại biểu đã tiến hành thảo luận về nội dung này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, toàn bộ hồ sơ, tài liệu trình Quốc hội về nội dung này đã được gửi đến đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến, Chính phủ đã tiếp thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc trình Quốc hội phê chuẩn văn kiện ngay tại Kỳ họp này.

Đa số ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương của Vương quốc Anh. Đại biểu đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; đánh giá rất cao nỗ lực của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong thời gian qua đã làm việc liên tục với Vương quốc Anh để thống nhất một số nội dung rất quan trọng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Vương quốc Anh là một thành viên của các cơ chế chính trị, an ninh ở tầm khu vực và toàn cầu, cũng là một ủy viên quan trọng trong 5 thành viên của Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên trong nhóm G7 có GDP hiện nay đứng thứ 6 trên thế giới. Do đó, việc đồng ý để Vương quốc Anh sớm gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm cơ hội cho 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland cũng đã công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam nên sẽ ảnh hưởng nhất định đến quyết định của Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Việt Nam sớm thông qua dự thảo nghị quyết sẽ là một trong những nước thành viên CPTPP phê chuẩn đồng ý đang gia nhập, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế Việt Nam trong hợp tác quốc tế.

Để phát huy hơn nữa tiềm năng, những sự mong đợi về lợi ích đem lại từ việc tham gia CPTPP, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, chúng ta cần làm tốt hơn công tác xây dựng pháp luật, công tác thể chế và đặc biệt nâng cao năng lực cạnh tranh. Bộ Công Thương cần có thêm những thông tin hướng dẫn cụ thể hơn, nhất là việc định hướng cho thị trường, tạo ra những cơ hội để doanh nghiệp có thể tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

“Việc tham gia Hiệp định CPTPP có thêm nước Anh nếu không tận dụng cơ hội sẽ rất lãng phí. Do đó, Chính phủ cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp chuyển đổi xanh, yêu cầu thân thiện với môi trường”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị.

Tham gia ngay từ đầu vào quy trình thẩm tra việc phê chuẩn văn kiện này, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc phê chuẩn văn kiện này hay việc thực hiện CPTPP chỉ là 01 trong 16 FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Đại biểu mong muốn, việc thực hiện các Hiệp định FTA trong thời gian tới sẽ được cải thiện tốt hơn. “Tôi rất mong chờ trong năm 2024 Bộ Công Thương có thể ban hành được bộ chỉ số FTA để là thước đo thực hiện ở các địa phương; là “kim chỉ nam” cho các các địa phương thực hiện; cũng là căn cứ để Quốc hội giám sát và có những điều chỉnh tốt hơn trong tương lai”, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung đề nghị.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến phát biểu thống nhất cho rằng, hồ sơ trình Quốc hội đầy đủ; các ý kiến cũng hoàn toàn nhất trí với việc Quốc hội ra Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định CPTPP ngay tại kỳ họp này; việc phê chuẩn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.

* Về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Đảng và Nhà nước đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó có lĩnh vực công chứng theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng cũng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới tác động trực tiếp đến tổ chức và hoạt động công chứng.

Cùng với đó, thực tiễn triển khai Luật Công chứng 2014 bên cạnh những kết quả đạt được cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như liên quan đến xác định phạm vi công chứng, chất lượng đội ngũ công chứng viên, phát triển tổ chức hành nghề công chứng, thủ tục công chứng…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, để khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 là cần thiết.

Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Đây là dự án Luật được Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7.