Hôm nay (ngày 1/6), Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. |
Buổi sáng, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Đồng thời thảo luận việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Thành viên Chính phủ cũng sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, tới nay, Việt Nam là một trong sáu quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, được quốc tế đánh giá cao. Nhờ đó, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3/2022.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trình bày tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. |
Việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát đã củng cố niềm tin, sự an toàn của người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý 1 đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021…
Ngoài ra, công tác chăm lo, bảo đảm đời sống nhân dân được chú trọng. Tính cả năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, Chính phủ đã hỗ trợ cho trên 49,6 triệu lượt người lao động, 728.400 lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí trên 81.600 tỷ đồng.
Các hoạt động văn hóa, xã hội dần sôi động trở lại; những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy. Thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư, công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 được thực hiện chu đáo, an toàn, thành công…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu có nhiều biến động; chuyển đổi năng lượng còn chậm.
Kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các Chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội triển khai còn chậm…
Trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, Phó Thủ tướng nhận định việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% là thách thức rất lớn.
Chính phủ quyết tâm tiếp tục xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả; đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục và giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng thương mại và hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội…
Các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung cao độ cho triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, tạo động lực mới cho sự phát triển; phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 361km đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 1; trong quý 4/2022, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Nhiệm vụ tiếp theo được Chính phủ đề ra là tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước; tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020. |
Trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2020
Về Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết về quyết toán thu ngân sách Nhà nước, dự toán là 1.539.052,8 tỷ đồng; quyết toán là 1.510.579,2 tỷ đồng, giảm 1,9% (28.473,6 tỷ đồng) so với dự toán. Trong số đó, thu ngân sách Trung ương giảm 92.076,6 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương tăng 63.603 tỷ đồng.
Về quyết toán chi ngân sách Nhà nước, dự toán là 1.773.766,2 tỷ đồng; quyết toán là 1.709.523,7 tỷ đồng, bằng 96,4% (giảm 64.242,5 tỷ đồng) so với dự toán. Trong số đó, quyết toán chi ngân sách Trung ương là 647.851,1 tỷ đồng, bằng 90% so với dự toán; quyết toán chi ngân sách địa phương là 1.061.672,6 tỷ đồng, bằng 100,7% so với dự toán.
Quyết toán số bội chi ngân sách Nhà nước là 216.405,6 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP thực hiện, giảm 18.394,4 tỷ đồng so với dự toán đầu năm và giảm 151.894,4 tỷ đồng so với mức Quốc hội cho phép. Trong đó, bội chi ngân sách Trung ương là 213.088,6 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 3.317 tỷ đồng.
Đánh giá thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách 5 năm 2016-2020, Bộ trưởng Tài chính nêu rõ tổng thu ngân sách Nhà nước 5 năm 2016-2020 đạt 6,918 triệu tỷ đồng, bằng 100,8% kế hoạch; tỷ lệ huy động đạt 25,3% GDP (mục tiêu là 23,5% GDP). Cơ cấu thu chuyển biến tích cực, theo hướng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt 85,6% tổng thu ngân sách Nhà nước (mục tiêu là 84-85%).
Trên cơ sở các nội dung đã báo cáo, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2020.