📞

Hôm nay (ngày 3/6), Quốc hội thảo luận về dự án Luật: Dầu khí, Tần số vô tuyến điện và thí điểm mô hình lao động, dạy nghề cho phạm nhân

Hoàng Nam 06:30 | 03/06/2022
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, ngày 3/6, Quốc hội nghe và thảo luận dự án: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam…
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội tại hội trường ngày 1/6.

Theo dự kiến chương trình, buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Các đại biểu Quốc hội cũng nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Thảo luận ở Hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án luật này.

Để đáp ứng yêu cầu cần bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt là theo Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Tiếp tục rà soát, đổi mới cách tiếp cận, cơ cấu lại dự án Luật để bao quát toàn diện ngành dầu khí, tránh cách hiểu là Luật cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Thống nhất nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng Luật là phát triển ngành dầu khí để phát triển kinh tế nhưng gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế; bảo đảm an toàn cho người, tài sản, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư khi tham gia điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Rà soát các quy định về áp dụng Luật Dầu khí và các luật có liên quan để bảo đảm thống nhất, rõ ràng, cụ thể, khả thi, phù hợp với thực tế và tính đặc thù của điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí; áp dụng nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa Luật Dầu khí và các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, các luật thuế…

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, tại Phiên họp toàn thể lần thứ ba thẩm tra dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành được Quốc hội Khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 đã tạo hành lang pháp lý toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế cho quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện tại Việt Nam.

Luật tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, tham gia các hoạt động phối hợp tần số quốc tế, cho quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện và thúc đẩy sự phát triển thông tin vô tuyến điện.

Tuy nhiên, sau gần 13 năm thi hành, một số quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung; một số quy định cần được sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất với các văn bản khác trong hệ thống pháp luật.

Mặt khác, trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước có liên quan đến tần số vô tuyến điện đã được ban hành trong các văn bản như Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Văn kiện Đại hội 13 của Đảng về nội dung hạ tầng thông tin, viễn thông, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên…

Đề cập về phạm vi điều chỉnh và nội dung cơ bản của dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, Dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan trong đó bổ sung 3 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo.