Đó là thông tin được Ban tổ chức VIFF 2016 công bố trong buổi họp báo chiều nay (19/12) tại Hà Nội. Hội chợ sẽ được diễn ra từ ngày 21 - 26/12 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
Đây là hội chợ thường niên lần thứ 20 do Công ty CP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam tổ chức.
Đại diện Ban Tổ chức tại cuộc họp báo. (Ảnh: DL) |
Với quy mô hơn 200 gian hàng, VIFF 2016 quy tụ các doanh nghiệp hàng đầu chủ yếu thuộc lĩnh vực dệt may cùng nhiều đơn vị đại diện cho ngành da giày, mỹ phẩm và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp từ các tỉnh thành trong cả nước. Các doanh nghiệp dệt may hàng đầu của Việt Nam đều góp mặt trong hội chợ năm nay như: May Nhà Bè, May Việt Tiến, Hanosimex, Đức Giang, May 10, May Hòa Thọ, Phong Phú...
Đặc biệt, tiếp nối truyền thống, VIFF 2016 sẽ là ngày hội thời trang hấp dẫn với sự xuất hiện của nhiều dòng sản phẩm thiết kế sáng tạo, phong cách hiện đại, kiểu dáng phong phú và chất lượng ngày càng hoàn thiện.
VIFF 2016 cũng có sự tham gia của các nhà thiết kế áo dài trẻ uy tín như: OZ Design House, Trịnh Fashion, Moon Design... hay những buổi trình diễn các mẫu thiết kế đặc sắc của các thương hiệu như Áo dài Lan Hương, Dệt may Nam Thanh.
Trong 6 ngày diễn ra hội chợ, các hoạt động biểu diễn thời trang và văn hóa nghệ thuật đặc sắc cũng sẽ được tổ chức nhằm phục vụ công chúng dịp Giáng Sinh và đón chào Năm mới 2017.
Phát biểu tại cuộc họp báo, đại diện Ban Tổ chức cho biết, Hội chợ năm nay được tổ chức trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều yếu tố không thuận lợi, hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng gặp nhiều khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ. “Tuy nhiên, xét về tổng thể, hội chợ năm nay vẫn giữ vững là hội chợ chuyên ngành có qui mô lớn với chất lượng ngày càng được cải thiện”, đại diện Ban Tổ chức nhận định.
Cũng tại buổi họp báo, ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, có đóng góp rất lớn vào hoạt động xuất khẩu và giải quyết việc làm cho người lao động. Trong nhiều năm qua, dệt may Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Theo ông Dũng, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của ngành ước đạt 28,023 tỉ USD, tăng gần 5% so với năm 2015. Sở dĩ mức tăng trưởng không cao là do năm 2016 là một năm khá khó khăn với dệt may Việt Nam. Dự báo năm 2017 sẽ tiếp tục có những thách thức mới cho ngành.
Tuy nhiên, ngành dệt may cũng đã có bước tiến dài trong hội nhập quốc tế, tận dụng những lợi thế do các hiệp định song phương, đa phương, chủ động đón đầu các cơ hội khi nước ta gia nhập WTO, ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, với Liên minh Kinh tế Á - Âu. Nhiều doanh nghiệp đã hướng đến xuất khẩu trực tiếp, không qua trung gian, tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.