Lễ hành hương năm nay sẽ chứng kiến sự tham gia trở lại của người Hồi giáo Iran. Năm 2016, người Hồi giáo Iran đã không tham dự lễ hành hương do tranh cãi ngoại giao giữa Tehran và Riyadh sau khi xảy ra thảm họa giẫm đạp trong mùa lễ hội hành hương năm 2015. Trong khi đó, do căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh nên nhiều người Qatar cũng không thể tham gia lễ hành hương năm nay.
Trong lễ hành hương tới Mecca thường xuyên xảy ra những tai nạn thảm khốc. (Nguồn: WikiCommons) |
Nhằm đảm bảo an toàn cho lễ hội, Saudi Arabia đã tăng cường tối đa các biện pháp an ninh cũng như chuẩn bị mọi phương án đối phó cần thiết. Theo đó, hơn 100.000 nhân viên an ninh luôn trong tình trạng sẵn sàng báo động cao, đã được triển khai trong và quanh Mecca.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn sử dụng các thiết bị hiện đại để kiểm tra an ninh trong đó có tới gần 1.200 camera an ninh được lắp đặt tại Đại giáo đường. Bên cạnh đó, giới chức Saudi Arabia còn thiết lập 109 trung tâm an ninh tại Mecca nhằm theo dõi những đối tượng khả nghi và ngăn chặn các hành vi sai phạm của người hành hương.
Hàng năm, Saudi Arabia thu hút khoảng 2 triệu người Hồi giáo trên khắp thế giới hành hương đến Thánh địa Mecca. Lễ hành hương là lễ hội hàng năm lớn nhất của người Hồi giáo, đã từng chứng kiến nhiều vụ giẫm đạp hay hỏa hoạn. Một trong những thảm họa giẫm đạp được cho là tồi tệ nhất trong lễ hành hương tại Thánh địa xảy ra vào năm 2015, với hơn 2.300 người thiệt mạng.
Lễ hành hương (hay còn gọi là lễ hội Hajj) là một trong 5 trụ cột của đạo Hồi, bao gồm tôn sùng tuyệt đối Thánh Allah; cầu nguyện mỗi ngày 5 lần; làm bố thí; tuân thủ mọi điều cấm kị trong tháng lễ Ramadan; hành hương về Thánh địa Mecca ít nhất một lần trong đời là một nghĩa vụ tôn giáo mà mỗi tín đồ Hồi giáo phải thực hiện ít nhất 1 lần trong đời. Đây là một trong những nghi lễ tôn giáo lớn nhất thế giới, thu hút hàng triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới.