Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Hơn 200 đại biểu, trong đó có hơn 100 học giả quốc tế, 70 học giả và đại biểu Việt Nam, 35 cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội và hơn 20 cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước tham dự hội thảo.
Diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động, diễn biến khó lường, tính bất định cao cũng như cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc có xu hướng gia tăng tại khu vực, Hội thảo là cơ hội để các học giả và các nhà hoạch định chính sách Việt Nam và quốc tế đánh giá những thách thức và cơ hội cho các quốc gia trong việc duy trì một môi trường hòa bình, ổn định, thịnh vượng và thúc đẩy hợp tác tại khu vực.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng phát biểu dẫn đề tại Hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Với 30 bài tham luận được trình bày trong hai ngày, Hội thảo chia thành 6 phiên: Sự chuyển động của các cường quốc: Chiến tranh lạnh mới hay hoà bình nóng?; Năng lực gắn kết và khả năng thích ứng của ASEAN trong bối cảnh khu vực thay đổi; An ninh biển ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Cơ hội hợp tác; Cuộc cách mạng công nghệ: Tác động đối với an ninh khu vực; Liệu vai trò của chủ nghĩa đa phương có đang suy giảm?; Suy nghĩ về tương lai: Trật tự pháp quyền hay trật tự cường quyền.
Phát biểu chào mừng, hai đồng Chủ tọa của CSCAP là Giáo sư Anthony Milner và cựu Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Yong nhấn mạnh cám ơn các nỗ lực của Việt Nam trong việc tổ chức Hội thảo. Thế giới đang trong thời điểm chuyển giao nên các quốc gia cần thúc đẩy xây dựng và củng cố lòng tin nhằm đối phó với các thách thức ngày càng phức tạp.
Giáo sư Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Thay mặt CSCAP Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của CSCAP trong việc khuyến khích các trao đổi nghiên cứu và chính sách thẳng thắn và cởi mở giữa các nhà hoạch định chính sách và học giả trong khu vực. Trong bối cảnh các vấn đề an ninh khu vực đang ngày trở nên phức tạp, CSCAP sẽ tính đến việc mở rộng thành viên đến các trung tâm nghiên cứu lớn khác nhằm tranh thủ các sáng kiến và ý tưởng hợp tác đa dạng từ các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình khu vực bất ổn, cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt như hiện nay, vai trò của các quốc gia tầm trung và vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng quan trọng. Đặc biệt trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực cần có đánh giá sâu sắc, toàn diện và đầy đủ để từ đó có các chính sách nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.
Phát biểu dẫn đề tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao vai trò của CSCAP như là cơ chế kênh 2 bổ ích, giúp các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia tăng cường đối thoại, trao đổi nhằm đề xuất các biện pháp hướng đến việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực. Châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới, là nơi tồn tại nhiều vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống cũng như cạnh tranh nước lớn có xu hướng gia tăng, do vậy các quốc gia trong khu vực cần tăng cường hợp tác, phối hợp chính sách để đối phó với các thách thức chung.
Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa đa phương và tăng cường hợp tác trong các cơ chế đa phương toàn cầu và khu vực đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam. Cũng vì lý do đó, Việt Nam cam kết xây dựng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng tốt hơn trong nhiệm kỳ Chủ tịch 2020. Đồng thời với việc trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam cam kết trở thành cầu nối giữa tổ chức toàn cầu này và ASEAN vì các mục tiêu chung, đặc biệt trong ngăn ngừa xung đột và xây dựng nền hòa bình bền vững.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận 3 vấn đề lớn: (i) Làm rõ hơn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và tác động đến hòa bình, ổn định và an ninh khu vực trong đó có việc phát huy vai trò trung tâm của ASEAN; (ii) Xây dựng nhận thức chung về trật tự dựa trên luật lệ trong quan hệ quốc tế và các vấn đề khu vực; và (iii) Làm rõ hơn việc diễn giải các nguyên tắc nền tảng của trật tự dựa trên luật lệ, nhất là luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Sau phần phát biểu chào mừng, khai mạc và dẫn đề, Hội thảo bước vào phiên đầu tiên, đánh giá về xu thế gia tăng cạnh tranh nước lớn tại khu vực. Hội thảo sẽ kéo dài đến hết ngày 6/12.