Việc bảo vệ bề mặt của hành tinh là vô cùng quan trọng nhằm ngăn chặn khủng hoảng đa dạng sinh học. (Nguồn: Earth.org) |
Nghiên cứu mới này cho thấy khoảng 64 triệu km2 (44% diện tích đất trên bề mặt Trái đất) cần được chú ý bảo tồn để ngăn chặn những tổn thất lớn về đa dạng sinh học.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ James R. Allan thuộc trường Đại học Amsterdam (Hà Lan) cho biết: “Chúng ta phải hành động nhanh chóng. Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy đến năm 2030, hơn 1,3 triệu km2 đất-một diện tích rộng hơn Nam Phi có khả năng bị hủy hoại để lấy chỗ cho con người sử dụng. Việc này sẽ tàn phá thiên nhiên hoang dã”.
Nghiên cứu sử dụng mô hình dữ liệu tiên tiến và dự báo thuật toán để lập bản đồ các khu vực tối ưu cho việc bảo tồn các loài và các hệ sinh thái được các tác giả mô tả là “một kế hoạch bảo tồn cho hành tinh”.
Các tác giả cho biết: những khu vực đó không nhất thiết phải được chỉ định là khu bảo tồn, nhưng các chiến lược khác có thể được sử dụng để bảo tồn các hệ sinh thái, bao gồm các chính sách kiểm soát việc sử dụng đất.
Nghiên cứu mới này cũng cho thấy 1,87 tỷ người, tương đương 1/4 dân số Trái đất, đang sống trong các khu vực cần được chú ý bảo tồn, chủ yếu ở các nước đang phát triển ở châu Phi, Trung Mỹ và châu Á.
Nhiều việc phải làm
Các nhà khoa học khí hậu và các nhóm bảo vệ môi trường đang thúc giục các chính phủ và các tập đoàn phải hành đồng nhiều hơn nữa để bảo vệ hành tinh, trong bối cảnh nhiều chuyên gia đang cảnh báo rằng thế giới đang trên đà bỏ lỡ mục tiêu giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C (xem BOX cuối bài).
Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện của họ đưa ra những hàm ý quan trọng đối với việc hoạch định chính sách, nhất là trong đàm phán các mục tiêu đa dạng sinh học toàn cầu, sau khi các chính phủ không đạt được các mục tiêu trước đó là bảo tồn ít nhất 17% diện tích đất toàn cầu vào năm 2020.
Một liên minh gồm 70 quốc gia dự kiến sẽ cam kết bảo vệ 30% đất đai và vùng đại dương của họ vào năm 2030, theo một dự thảo hiệp ước toàn cầu sẽ được hoàn thành vào quý III năm nay.
Nghiên cứu này được công bố trùng thời điểm với một hội nghị lớn về môi trường do Liên hợp quốc tổ chức ở Stockholm (Thụy Điển) nơi Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chấm dứt “cuộc chiến tranh chống lại thiên nhiên”.
Quỹ bảo tồn 500 triệu USD
Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo nhân loại cần hành động ngay lập tức nếu không hành tinh của chúng ta trở thành nơi không thể sống được.
“Chúng tôi biết phải làm gì. Và ngày càng có nhiều công cụ để làm điều đó. Nhưng chúng ta vẫn thiếu sự lãnh đạo và hợp tác. Vì vậy, hôm nay, tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo: Hãy dẫn dắt chúng tôi ra khỏi mớ hỗn độn này”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói.
Sau đó, Italy và Thụy Điển đã tuyên bố ủng hộ một quỹ quốc tế mới, đầu tư ít nhất 500 triệu USD vào các nước đang phát triển để hỗ trợ bảo vệ khí hậu.
Quỹ Đầu tư khí hậu (CIF), một trong những công cụ tài trợ khí hậu đa phương lớn nhất thế giới đã khởi động chương trình “Thiên nhiên, con người và khí hậu” (NPC) tại hội nghị ở Stockholm ngày 1/6 vừa qua.
Chương trình mới được kỳ vọng sẽ mang lại cho người dân bản địa vai trò lớn hơn trong việc bảo tồn môi trường địa phương và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo Bộ trưởng Phát triển quốc tế của Thụy Điển, bà Matilda Ernkrans, “các giải pháp dựa vào tự nhiên giúp giảm lượng khí thải, hỗ trợ cộng đồng thích ứng với khí hậu thay đổi và bảo vệ đa dạng sinh học”.
Việc tăng cường nỗ lực bảo tồn và quản lý các công viên tự nhiên, đại dương và rừng là cốt lõi để bảo vệ đa dạng sinh học và duy trì các hệ sinh thái cân bằng mà con người phụ thuộc vào, hạn chế tác động tàn phá của sự nóng lên toàn cầu.
Tuy vậy, nhiều cánh rừng trên khắp thế giới vẫn đang bị tàn phá theo nhiều cách, từ việc mở rộng đất để sản xuất thịt bò ở Brazil đến việc đốt phá rừng bất hợp pháp để trồng cọ lấy dầu ở các nước...
Những hành động này vẫn đang đe dọa môi trường sống của động vật hoang dã và làm lệch mục tiêu khí hậu bởi cây cối hấp thụ khoảng một phần ba khí thải gây ô nhiễm.
Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) phát thải ra tới 80% lượng khí carbon toàn cầu. Cam kết hành động của họ góp phần tạo động lực cho những cuộc thảo luận quan trọng về biến đổi khí hậu ở Liên hợp quốc. Tháng 10/2021, các nhà lãnh đạo G20 đã thống nhất về việc giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C-bước tiến lớn kể từ Hiệp định Paris 2015. Giới chuyên gia cho rằng để đạt được mục tiêu này, toàn cầu phải cắt giảm gần một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và giảm xuống mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. |