Hội nghị do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) phối hợp với hệ thống Ngân hàng cho Người nghèo, Tập đoàn The Economist tổ chức dưới sự bảo trợ của Quỹ Citi và Quỹ vì Hợp tác Phát triển.
Hội nghị thượng đỉnh lần này tập trung phân tích và thảo luận những cơ hội và thách thức của thế hệ tài chính toàn diện trong tương lai, trình bày những công nghệ cũng như sáng tạo mới nhất trong sản phẩm và dịch vụ tài chính cho những người chưa được thụ hưởng hoặc chưa được tiếp cận toàn diện với dịch vụ ngân hàng, tài chính.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh tương lai của tài chính toàn diện. Theo đó, ngày càng có nhiều tổ chức cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính mới xuất hiện làm thay đổi hình thức và tính chất thị trường, đang định hình xu hướng phát triển mới của tài chính toàn diện trong tương lai. Điều này dẫn đến nhiều thách thức về quản lý, giám sát và rủi ro về bảo mật thông tin, an toàn hệ thống.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. (Nguồn: SBV) |
“Vấn đề đặt ra là cần phải hài hoà các mục tiêu về tài chính toàn diện, hội nhập và bảo về người tiêu dùng để có thể tối đa hoá lợi ích của tài chính toàn diện mang lại”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Mặc dù có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực tài chính toàn diện trên thế giới trong những thập kỷ gần đây, tuy nhiên vẫn còn 2 tỷ người chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, đa phần trong số đó ở châu Á – Thái Bình Dương. Bởi vậy dư địa cho tài chính toàn diện phát triển vẫn còn rất lớn.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh tài chính toàn diện châu Á - Thái Bình Dương năm 2017, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với Nhóm Công tác tài chính vi mô Việt Nam tổ chức tọa đàm về tài chính nông nghiệp nông thôn để chia sẻ về thực trạng và giải pháp nhằm thúc đẩy tài chính cho nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Việt Nam cũng như học hỏi thêm các kinh nghiệm của quốc gia khác về vấn đề này.