📞

Hơn 90% trẻ em trên thế giới hít thở không khí ô nhiễm hàng ngày

21:51 | 01/11/2018
Thông tin vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra trong Báo cáo “Ô nhiễm không khí và Sức khỏe trẻ em: Kê đơn không khí sạch”, đánh giá tác động tiêu cực của cả ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà đối với sức khỏe của trẻ em, nhất là tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Báo cáo được công bố trước khi diễn ra Hội nghị toàn cầu về ô nhiễm không khí và sức khỏe lần đầu tiên do WHO tổ chức.

Theo Báo cáo, hàng ngày có khoảng 93% trẻ em trên thế giới dưới 15 tuổi (1,8 tỷ em) hít thở bầu không khí ô nhiễm khiến cho sức khỏe và sự phát triển của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. WHO ước tính năm 2016 có khoảng 600.000 trẻ em qua đời do nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính dưới gây ra bởi không khí ô nhiễm.

Báo cáo cho thấy khi phụ nữ mang thai tiếp xúc với không khí ô nhiễm có nhiều nguy cơ sinh non, đồng thời trẻ sinh ra nhỏ và nhẹ cân. Không khí ô nhiễm cũng tác động xấu đến sự phát triển trí não, khả năng nhận thức và có thể gây ra nguy cơ bị hen suyễn và ung thư ở trẻ em. Trẻ em tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao có thể có nhiều nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch trong những giai đoạn sau của cuộc đời.

Hàng ngày có khoảng 93% trẻ em trên thế giới dưới 15 tuổi (1,8 tỷ em) hít thở bầu không khí ô nhiễm khiến cho sức khỏe và sự phát triển của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. (Nguồn: Healthplus.vn)

WHO cho rằng, trẻ em đặc biệt dễ bị ảnh hưởng của ô nhiễm không khí vì các em thở nhanh hơn người lớn và hấp thụ nhiều chất gây ô nhiễm hơn. Trẻ em cũng sống gần mặt đất hơn, nơi một số chất ô nhiễm đạt đến nồng độ đỉnh - vào thời điểm não và cơ thể vẫn đang phát triển.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường ở nhà. Nếu gia đình sử dụng các loại nhiên liệu như củi và dầu hỏa để nấu ăn, sưởi ấm và thắp sáng, trẻ nhỏ sẽ tiếp xúc với mức độ ô nhiễm cao hơn so với những trẻ em dành nhiều thời gian bên ngoài nhà hơn.

 “Ô nhiễm không khí đang tác động xấu đến trí não của con cái chúng ta, ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng theo nhiều cách hơn so với những gì chúng tôi nghi ngờ nhưng có rất nhiều cách có thể thực hiện được để giảm phát thải các chất gây ô nhiễm nguy hiểm. Chúng tôi đang chuẩn bị nền tảng cho việc sản xuất điện phát thải thấp, công nghệ công nghiệp sạch và quản lý chất thải đô thị tốt hơn”, TS Maria Neira, Trưởng bộ phận Y tế công cộng, các yếu tố môi trường và xã hội về sức khỏe tại WHO cho biết.