Ngày 17/4, Viện nghiên cứu Tác động Sức khỏe HEI có trụ sở tại Mỹ công bố báo cáo hàng năm về tình trạng ô nhiễm không khí. Theo đó, hơn 95% dân số thế giới đang hít thở bụi bẩn và các tác nhân gây bệnh hô hấp hàng ngày.
Trước đó, báo cáo mới nhất từ tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ô nhiễm môi trường đã tước đi sinh mạng của hơn 6,1 triệu người mỗi năm, trong đó hơn 1,7 triệu nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi.
"Tình trạng không khí đã được cải thiện ở một số nước, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều thách thức", ông Bob O'Keefe, Phó Chủ tịch viện HEI, nói. Đây là tổ chức phi lợi nhuận, độc lập với chính phủ và có chuyên môn trong việc nghiên cứu các tác động của không khí ô nhiễm đến sức khỏe con người.
Người đi đường tại bang Amritsar, Ấn Độ chịu tình cảnh khói bụi mù mịt. (Nguồn: Getty Images) |
CNN dẫn báo cáo của viện trên cho biết Ấn Độ và Trung Quốc chịu trách nhiệm với hơn 50% số ca tử vong vì ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Năm 2016, hơn 1 triệu người Ấn Độ đã chết trẻ vì các bệnh liên quan đến hô hấp.
Trong khi Trung Quốc phần nào thành công trong nỗ lực hạn chế ô nhiễm không khí, tình trạng này tại Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh lại gia tăng chóng mặt từ năm 2010. Tại các quốc gia này, tác nhân gây ô nhiễm không khí không chỉ đến từ các khu công nghiệp mà còn từ việc đốt than củi để nấu ăn và sưởi ấm tại các hộ gia đình.
Đây đồng thời là tác nhân gây tử vong đứng thứ 4, sau các nguyên nhân như cao huyết áp, chế độ ăn uống không lành mạnh và hút thuốc lá.
Năm 2016, WHO đưa ra số liệu cho thấy khu vực Đông Nam Á và bờ Tây Thái Bình Dương trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia... là những quốc gia bị ô nhiễm nặng nhất.
Một trong những mặt tệ hại nhất của không khí ô nhiễm đó là các phân tử nhỏ hơn 2,5 micrometre - gọi tắt là PM2.5 - vì chúng có thể đi vào phổi và hệ tuần hoàn. Một mét khối không khí chứa nhiều hơn 10 microgram PM2.5 được cho là dưới tiêu chuẩn.