Với những người yêu thích du lịch khám phá, đặc biệt là các bạn trẻ ưa đi “phượt”, Hòn Bà là điểm đến không thể bỏ qua mỗi khi có dịp tới thăm thành phố biển Nha Trang bởi cung đường này có đủ các loại hình: suối đổ ra hồ, đèo dốc quanh co, rừng núi, và đặc biệt ấn tượng bởi cái lạnh như luồn sâu vào trong da thịt. Nhiều người đến Hòn Bà vì đam mê chụp ảnh những cánh rừng già, những cánh bướm, cánh hoa rừng nhiều màu sắc. Nhiều người còn ở lại đây qua đêm để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp kỳ bí của núi rừng, để thấm cái lạnh sương núi tinh khiết vào đêm.
Đỉnh núi Hòn Bà có độ cao 1.578m so với mặt nước biển. Từ 6h sáng, chúng tôi bắt đầu “chinh phục” đỉnh núi Hòn Bà. Đường lên đỉnh núi quanh co, xa vời vợi, nhiều chỗ sương mù dày đặc. Đi xe máy qua những cung đường uốn lượn, chúng tôi dừng chân nghỉ bên suối Đá Giăng với những tảng đá lô nhô, những hồ chứa nước nho nhỏ... Những bụi lau hai bên đường tạo cho du khách cảm nhận về một vùng thiên nhiên hoang sơ…
Đường lên Hòn Bà quanh co bên núi. |
Con đường từ suối Dầu lên đỉnh Hòn Bà dài 36km trong đó có đến 19km mà hai bên là rừng và suối, ngoài ra các “phượt thủ” còn phải xuyên qua vạt rừng nguyên sinh thanh vắng làm nao lòng lữ khách…
Lên tới độ cao 300m, chúng tôi dừng chân tại Khu Du lịch Suối Nguồn, ngồi thưởng thức gà rừng nướng, nghe suối reo róc rách, lấy sức lên tiếp độ cao 500m. Ở độ cao này, hai bên đường là những rừng chuối tiêu, dăm cây sầu riêng ẩn khuất trong vòm lá xanh… Bỗng nhiên có cảm giác lành lạnh rồi lại mát lạ lùng. Hóa ra chúng tôi vừa đi xuyên qua một đám mây mỏng mờ ảo.
Dừng chân nghỉ ở độ cao 800-900m nơi lưng chừng núi, chúng tôi nhìn thấy cả vùng đất Cam Lâm xanh bát ngát phía dưới.
Lên đến đỉnh Hòn Bà, chúng tôi bỗng có cảm giác thanh tĩnh, nhẹ nhàng kỳ lạ. Những đám sương mù vướng vào thân cây lơ lửng trên sườn núi. Có độ cao hơn Đà Lạt, Hòn Bà quanh năm mây phủ, nhiệt độ ở đây dao động từ 10-20oC. Từ đỉnh Hòn Bà có thể nhìn thấy vịnh Nha Trang và thành phố Nha Trang xa xa trong nắng.
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hòn Bà hiện có khoảng 592 loài thực vật bậc cao, trong đó có 43 loài quí hiếm được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam như thông hai lá dẹp, pơ mu... một số loài cây đặc hữu của Nha Trang như sồi Hòn Bà, thị Nha Trang, dẻ gai Nha Trang, đỗ quyên Nha Trang... Hiện nay, Khu Bảo tồn Thiên nhiên đang nhân giống và bảo tồn các loài cây quí hiếm, tuyển chọn cho vườn sưu tập thực vật quy mô khoảng 70ha.
Ngôi nhà lịch sử
Theo cung đường lên đỉnh núi, chúng tôi hình dung ra con đường mà bác sĩ, nhà thám hiểm người Pháp Alexandre Yersin (1863 - 1943) đã khám phá ra Hòn Bà năm xưa. Theo tài liệu của Bảo tàng Yersin, bác sĩ Yersin đã đi ngựa từ Suối Dầu (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) lên đỉnh Hòn Bà năm 1915. Trên đỉnh núi hiện còn ngôi nhà cổ của bác sĩ, nơi ông đã dành cả tuổi trẻ của mình để làm việc, khám phá ra Đà Lạt, lập trạm quan trắc, nghiên cứu nhiều loại thuốc quí.
Ngôi nhà gỗ 2 tầng có diện tích 11,4m x 8,7m này được phục dựng năm 2004 cùng chuồng nuôi ngựa, cây trà cổ thụ…
Ngôi nhà cổ của bác sĩ Alexandre Yersin. |
Bác sĩ Yersin gắn bó với mảnh đất này đến cuối cuộc đời. Ai đến Hòn Bà cũng bồi hồi với những kỷ niệm về ông... Vào thăm ngôi nhà gỗ nơi ông từng sống và làm việc giữa núi rừng hoang vu, chúng tôi cảm nhận được công lao của người mở đường khai phá Hòn Bà. Nhiều hiện vật vẫn còn giá trị như bộ bàn ghế đá tiếp khách, chiếc giường nhỏ, thư viện nơi ông làm việc… Thích nhất là ra xem vườn thuốc quý nơi lưu giữ hai cây trà có tuổi đời trăm năm, những giàn bầu bí xanh tươi như một minh chứng cho sức sống mãnh liệt ở trên núi cao.
Trong nhóm chúng tôi, có người cho rằng, Hòn Bà đẹp nhất vào sáng sớm khi những tia nắng đầu tiên xuyên qua tán lá rừng già bên dòng suối róc rách. Có người lại bảo Hòn Bà đẹp nhất về chiều khi nắng rải vàng những thảm cỏ tranh. Tựu chung, ai cũng thừa nhận Hòn Bà là một điểm du lịch hấp dẫn.
Chúng tôi rời Hòn Bà khi làn mây còn vấn vương đây đó quanh người... Trên con đường xuống núi, cơn mưa bất chợt ào xuống phút chốc rồi lại hửng nắng. Đã xa rồi mà vẫn nhớ mãi Hòn Bà, nơi hòa quyện được cả sự hùng vĩ và nên thơ của thiên nhiên...