Con đường trở thành siêu cường tài chính của Trung Quốc vẫn còn gian nan. (Nguồn: Depositphotos) |
Thế lực đáng gờm
Khoảng một thập niên trước đây, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đề xuất việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. Sáng kiến này được chào đón nhiệt tình mặc dù hệ thống tài chính của Trung Quốc còn kém phát triển và thiếu cơ sở quan trọng để phát triển một đồng tiền quốc tế.
Tuy nhiên, sau hơn một thập niên, quá trình quốc tế hóa hệ thống tài chính của Trung Quốc đang tăng tốc và Bắc Kinh dường như đang trở thành một thế lực đáng gờm trong lĩnh vực tài chính toàn cầu.
Bước phát triển nổi bật nhất là sự gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các danh mục đầu tư của Trung Quốc lên tới 2 nghìn tỷ USD, gấp 5 lần so với năm 2009, thời điểm Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thương mại quốc tế.
Sự phát triển này được hậu thuẫn bởi việc mở rộng tài khoản vốn của Trung Quốc, giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường tài chính.
Năm 2014, Trung Quốc đã khởi động chương trình kết nối chứng khoán để tăng cường đầu tư từ nước ngoài. Tiếp theo đó là chương trình kết nối trái phiếu vào năm 2017, mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc. Động thái này được kỳ vọng có thể cải thiện cán cân thanh toán quốc tế của Trung Quốc và giữ đồng Nhân dân tệ cơ bản ổn định.
Việc Trung Quốc nới lỏng kiểm soát vốn đã tạo nên sự thay đổi các ưu tiên kinh tế và tài chính. Từ lâu, Bắc Kinh vốn dựa vào hệ thống kiểm soát tài chính để cung cấp các khoản vay giá rẻ cho các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghiệp.
Để hỗ trợ các khoản vay này, lãi suất tiền gửi được giữ ở mức thấp cùng các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn người tiết kiệm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn trên thị trường tài chính nước ngoài.
Mặc dù hệ thống này khá thành công trong việc hỗ trợ mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và xuất khẩu của Trung Quốc nhưng hiện không còn phù hợp với một nền kinh tế cần tăng cường hiệu quả và vai trò của tiêu dùng.
Hãy nhìn vào thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc - thước đo lưu lượng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư để hiểu rõ hơn về động lực kinh tế khiến Trung Quốc quyết định mở cửa hệ thống tài chính.
Sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thặng dư tài khoản vãng lai của nước này đã đạt mức cao chưa từng thấy và từng đạt đỉnh 10% GDP vào năm 2007. Tuy nhiên, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, con số này đã giảm xuống chỉ còn 1% GDP.
Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng bởi đại dịch Covid-19, chỉ số này tăng trở lại vào năm 2020, nhưng điều này không cho thấy sự đảo ngược của xu hướng giảm chung.
Thặng dư tài khoản vãng lai tương ứng với chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư. Thặng dư thu hẹp do tỷ lệ tiết kiệm giảm - một xu hướng chắc chắn sẽ gia tăng do tình trạng dân số già ngày càng già đi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nếu tỷ lệ tiết kiệm tiếp tục giảm mà không tương ứng với tỷ lệ đầu tư giảm, sẽ dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai. Tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai chịu ảnh hưởng bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài và Trung Quốc cần chuẩn bị cho sự thay đổi này bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận thị trường tài chính để trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Những rào cản chính
Mặc dù các nguyên tắc cơ bản về kinh tế đang thay đổi tại Trung Quốc cho thấy những cơ sở vững chắc của việc gia tăng hội nhập tài chính nhưng thiên hướng ổn định và kiểm soát của chính phủ vẫn đang cản trở sự trỗi dậy của nền kinh tế thứ hai thế giới trong lĩnh vực tài chính toàn cầu.
Việc gia tăng giới hạn sẽ ngăn cản nước này đóng vai trò chính trong nền tài chính toàn cầu. (Nguồn: CNBC) |
Trong những năm gần đây, khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, các nhà hoạch định chính sách tài chính của Trung Quốc thường sử dụng các biện pháp can thiệp không phù hợp với hệ thống tài chính.
Cải cách lãi suất là một trường hợp điển hình. Với việc dỡ bỏ trần lãi suất huy động, Trung Quốc đã chính thức tự do hóa lãi suất vào năm 2015. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải tuân theo chỉ đạo chính sách về lãi suất và phân bổ tín dụng. Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, hướng dẫn này đã trở nên quan trọng khi các nhà chức trách yêu cầu các ngân hàng tăng cường cho vay giá rẻ để làm dịu bớt những "đòn đau" giáng vào kinh tế từ đại dịch.
Về cải cách tỷ giá hối đoái, năm 2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố sẽ cho phép thị trường hình thành tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ, nhưng Ngân hàng này vẫn tiếp tục các biện pháp can thiệp để ngăn chặn những chuyển động đáng kể của tỷ giá hối đoái.
Các can thiệp chính sách liên quan đến tỷ giá hối đoái dường như cũng gia tăng trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Bất chấp thặng dư tài khoản vãng lai đáng kể và dòng vốn chảy mạnh, đồng Nhân dân tệ chỉ tăng giá ở mức khiêm tốn vào năm 2020.
Bên cạnh đó, tài sản ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng cũng tăng đáng kể cho thấy các ngân hàng thương mại của Trung Quốc buộc phải giảm bớt sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ.
Chừng nào các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc ngừng kiến nghị, tình hình lãi suất và tỷ giá hối đoái, các giới hạn nghiêm ngặt liên quan đến dòng vốn và dòng tiền, sẽ được duy trì.
Việc gia tăng giới hạn sẽ ngăn cản nước này đóng vai trò chính trong nền tài chính toàn cầu.
Những căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington thậm chí có thể làm chệch hướng các mục tiêu hội nhập tài chính của Trung Quốc.
Chưa thấy tín hiệu tốt nào báo hiệu triển vọng của việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.
Thậm chí, sự ra đời của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số cũng sẽ không thay đổi triển vọng này, vì phiên bản kỹ thuật số sẽ phải chịu những ràng buộc về chính trị giống như phiên bản tiền giấy.