Hong Kong, Trung Quốc lần đầu tiên rơi khỏi top 10 thành phố hấp dẫn nhất trong Chỉ số GPCI. (Nguồn: Mori-m-Foundation) |
Hong Kong - một trong những trung tâm tài chính hàng đầu châu Á rơi xuống vị trí thứ 13, giảm 4 bậc so với năm 2020.
Tình hình đã cho thấy ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, khiến các đường bay nội địa và quốc tế phải đóng cửa. Dù số liệu của tất cả các thành phố đều cho thấy lượng hành khách trong nước và quốc tế giảm đáng kể, nhưng hành khách đi và đến Hong Kong đã giảm tới 88%, mức giảm lớn nhất trong tất cả các thành phố được khảo sát.
Chỉ số Thành phố quyền lực toàn cầu do Viện Chiến lược Đô thị thuộc Quỹ Mori Memorial, có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản thực hiện và công bố. Bảng xếp hạng dựa trên 70 chỉ số riêng, thuộc 6 hạng mục gồm Kinh tế, Nghiên cứu & phát triển, tương tác văn hóa, Mức độ đáng sống, Môi trường và Khả năng tiếp cận, để xếp hạng 48 thành phố trên thế giới.
Thành phố toàn cầu là các trung tâm quan trọng trong mạng lưới kinh tế toàn cầu và vì thế, có tầm ảnh hưởng lớn lên nhiều lĩnh vực của thế giới, từ kinh tế, tài chính đến công nghệ, khoa học, văn hóa.
Năm nay, thứ hạng của 5 thành phố đứng đầu trong bảng xếp hạng không thay đổi so với năm ngoái: Xếp thứ nhất là thành phố London, sau đó lần lượt là New York, Tokyo, Paris và Singapore.
Ông Hiroo Ichikawa, Giám đốc điều hành Quỹ và giáo sư danh dự tại Đại học Meiji, chia sẻ tại một buổi họp báo: "Điểm số của 9 trong số 13 thành phố châu Á được khảo sát đã giảm xuống".
Thành phố Singapore giảm một nửa về số lượng khách quốc tế và hành khách đi máy bay. Mặc dù số lượng sinh viên quốc tế và các công ty khởi nghiệp của Singapore cũng sụt giảm, song chỉ số chất lượng không khí lại có sự cải thiện đáng kể. Cụ thể, Singapore xếp thứ 11 về hạng mục Môi trường, đây là thứ hạng cao nhất ở châu Á. Thành phố này chứng kiến lượng bụi mịn PM2.5 giảm đến 40%, mức cao nhất trong tất cả các đô thị được xếp hạng, nhờ các hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19.
Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 mang lại một số thay đổi tích cực như cải thiện phong cách làm việc và môi trường đô thị. Ở nhiều thành phố trọng điểm, các doanh nghiệp giảm số giờ làm việc cho nhân viên, đồng thời áp dụng các biện pháp làm việc linh hoạt.
Theo đó, điểm số của Tokyo được cải thiện so với năm ngoái, thu hẹp khoảng cách với London và New York, khi thành phố này áp dụng phong cách làm việc linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh. Thành phố này tăng điểm ở Mức độ đáng sống nhờ mức độ linh hoạt về cách làm việc. Với việc đăng cai Olympic trong năm nay, thành phố cũng cải thiện về khả năng tạo lập xu hướng.
Tokyo là thành phố đông dân nhất thế giới, và có nền kinh tế đô thị lớn nhất tính theo GDP. Thành phố là trung tâm kinh doanh và tài chính số một của Nhật Bản.
| Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong luôn chào đón các công ty của Việt Nam niêm yết Ngày 17/11, tại trụ sở Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Bộ trưởng Tài Chính Hong Kong Paul Chan Mo-po đã ... |
| 35% người Hong Kong, Trung Quốc thanh toán bằng tiền kỹ thuật số trong 5 năm tới Kết quả khảo sát mới nhất của Công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ tài chính FIS, 35% người dân ở khu hành ... |