📞

Hongkong chưa từng kém quan trọng

08:51 | 11/10/2014
Vị trí của Hongkong chưa bao giờ kém quan trọng đối với Trung Quốc và thế giới.
Ước tính chỉ sau năm ngày biểu tình, gần 12 tỷ USD "bốc hơi" khỏi thị trường chứng khoán Hongkong.

Các hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch và Standard & Poors nhận định, trong ngắn hạn, phong trào biểu tình “Chiếm trung tâm” (Occcupy Centre) sẽ không ảnh hưởng đến vị trí xếp hạng của Hongkong. Tuy nhiên, biểu tình kéo dài sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động thương mại của Hongkong, từ đó gây nên những hiệu ứng đối với mọi mặt của kinh tế toàn cầu, từ ngân hàng đến bảo hiểm, hoạt động thương mại và đồng Nhân dân tệ.

Vai trò cầu nối

Nhà đầu tư thường nói: Tiền đến Hongkong trước khi đổ vào Đại lục. Trung Quốc đã được hưởng lợi từ vị thế độc nhất vô nhị của Hongkong – vùng đất hội nhập hoàn toàn với kinh tế toàn cầu, nhưng lại kết nối chặt chẽ với Đại lục.

Hongkong có vai trò là cầu nối giữa Trung Quốc và thế giới, vận chuyển cả hàng hóa và dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Trung Quốc và ngược lại. Nhưng gần đây, Hongkong không còn quan trọng như trước bởi Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa và tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế toàn cầu. GDP của Hongkong đã giảm từ mức 16% GDP Trung Quốc năm 1997 (khi được trả về Trung Quốc) xuống chỉ còn 3%.

Tuy nhiên, Hongkong vẫn là cửa ngõ quan trọng đón dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc. Năm 2013, một nửa trong tổng số 124 tỷ USD vốn đầu tư toàn cầu chảy vào Trung Quốc được chuyển qua Hongkong. Đồng thời, khoảng 60% số vốn Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài vẫn chảy qua đây. Nơi đây cũng là nơi thường trú của hơn 3.700 văn phòng khu vực của các công ty nước ngoài, hơn 80% trong số này điều hành công ty hoạt động ở Trung Quốc.

Hongkong còn nằm trong năm cảng container lớn nhất thế giới, với khối lượng hàng hóa lớn gấp năm lần cảng lớn nhất nước Mỹ là Los Angeles. Hầu hết hàng hóa đi qua đây là những nguyên liệu thô nhập vào Trung Quốc và thành phẩm mà Trung Quốc xuất khẩu ra nước ngoài.

Nhìn từ góc độ thị trường tài chính, vai trò của Hongkong đang được tăng cường. Theo số liệu của Dealogic, kể từ năm 2012, các công ty Đại lục đã huy động được 43 tỷ USD sau các vụ IPO trên thị trường chứng khoán Hongkong, trong khi chỉ huy động được 25 tỷ USD trên các sàn chứng khoán ở Trung Quốc. Hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, Hongkong là nơi tốt nhất để các công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn toàn cầu thông qua phát hành trái phiếu.

Hơn nữa, không chỉ có các nhà đầu tư chọn Hongkong, năm năm qua, Chính phủ Trung Quốc cũng luôn chọn nơi này làm thí điểm các cải cách tài chính. Quá trình quốc tế hóa Nhân dân tệ khởi đầu ở Hongkong năm 2009. Đây cũng là nơi duy nhất sẵn sàng triển khai các chương trình thí điểm với mục tiêu giữ vững vị trí trung tâm tài chính thế giới của Trung Quốc.

Trung tâm tài chính hàng đầu

Vị trí của Hongkong đối với Trung Quốc đã rõ ràng. Ở khía cạnh khác, nhờ vị trí là cửa ngõ giúp nhà đầu tư quốc tế tiếp cận với Trung Quốc đại lục, Hongkong còn là trung tâm tài chính và thương mại mang tầm cỡ toàn cầu. Trong năm 2013, giá trị hàng hóa được giao dịch qua Hongkong đạt 977 tỷ USD, tương đương 5,2% tổng giá trị thương mại toàn cầu. Hongkong hiện được coi là trung tâm tài chính quan trọng, chỉ đứng sau London và New York. Thậm chí trong những năm gần đây, đặc khu này đang dần thu hẹp khoảng cách với các đối thủ ở phương Tây nhờ lợi thế về môi trường kinh doanh, luật thuế và nguồn nhân lực.

Hongkong trở thành mảnh đất màu mỡ đối với các ngân hàng đầu tư. Theo Reuters, sáu tháng đầu năm 2014, các ngân hàng đầu tư đã thu được 502 triệu USD tiền phí – cao gấp đôi so với các địa điểm khác như Singapore, Hàn Quốc và Malaysia trong cùng kỳ.

Là nơi sở hữu thị trường chứng khoán lớn thứ sáu trên thế giới, lớn thứ hai tại châu Á, chỉ đứng sau Tokyo, Hongkong đồng thời là trung tâm kinh doanh ngoại tệ lớn thứ năm toàn cầu, với lượng ngoại tệ giao dịch mỗi ngày trung bình đạt 275 triệu USD. Để đạt được vị thế này, Hongkong đã luôn duy trì sự ổn định chính trị, mở rộng cửa đối với các nhà đầu tư và không áp đặt bất kỳ sự kiểm soát nào đối với dòng vốn.

Mặc dù đằng sau những tòa cao ốc, vẫn còn tình trạng bất bình đẳng, giá nhà đất “trên trời” nhưng nhìn chung, sự tự do trong hoạt động kinh tế vẫn là “chìa khóa vàng” mở ra sự thịnh vượng cho Hongkong. Sẽ ra sao nếu Hongkong không còn ổn định như trước? Người ta đang lo ngại về hệ quả mà các phong trào biểu tình thường để lại, đó là những dự án vắng chủ đầu tư và sự tháo chạy của dòng vốn.

Minh Châu (theo Economist)