Ban Chỉ đạo của Bộ Ngoại giao về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực họp dưới sự chủ trì của Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ánh, Quyền Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo đã báo cáo kết quả công tác PCTNTC của Bộ Ngoại giao.
Theo đó, đồng chí Nguyễn Xuân Ánh nhấn mạnh, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đã kịp thời đưa ra định hướng, chủ trương, chỉ đạo các đơn vị triển khai các nhiệm vụ lớn như: tổ chức quán triệt, thực hiện Thông báo số 12-TB/TW, ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTNTC; triển khai kiểm soát tài sản thu nhập theo các quy định mới; rà soát tổng thể các quy chế, quy trình cấp Bộ và của từng đơn vị, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (CQĐD); tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; hoàn thiện, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Về thực hiện Kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 28/3/2022, Ban Chỉ đạo, các đơn vị thuộc Bộ, các CQĐD đã quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, để nâng cao tính chủ động của Thường trực, thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đang xây dựng quy định phân công nhiệm vụ của Thường trực và các thành viên Ban Chỉ đạo để làm cơ sở cho việc chủ động thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các thành viên.
Về tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, lối sống, Đảng ủy Bộ đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/ĐUB ngày 29/4/2022 thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Ban cán sự đảng Bộ, Lãnh đạo Bộ đã thường xuyên chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị, Bí thư cấp ủy trực thuộc ở trong và ngoài nước “tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và đạo đức nghề nghiệp” của công chức, viên chức trong thực hiện công vụ; thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTNTC; đề cao trách nhiệm cá nhân, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm nêu gương của thủ trưởng và cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị và CQĐD.
Thanh tra Bộ đã phổ biến, quán triệt công tác phòng chống tham nhũng, việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong chương trình bồi dưỡng kiến thức cho gần 350 cán bộ, nhân viên ngoại giao chuẩn bị công tác nhiệm kỳ tại các CQĐD.
Trong thời gian qua, để cụ thể hóa những chỉ đạo về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, các đơn vị chức năng đã kết hợp hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng; xây dựng định hướng chương trình thanh tra năm 2023 theo hướng tăng số lượng các cuộc thanh tra đối với các đơn vị thuộc Bộ và các CQĐD.
Các đơn vị, CQĐD đã nghiêm túc rà soát, cập nhật các quy chế, quy trình xử lý công việc, nhất là chuẩn hóa các quy trình công tác trong một số lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, dễ phát sinh hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Bộ đã ban hành Kế hoạch và Quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
Việc nắm bắt thông tin, dư luận về việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức để phát hiện sớm và xử lý kịp thời những vi phạm, không để tích tụ thành sai phạm lớn, nghiêm trọng đã được tăng cường, đồng thời giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, CQĐD xử lý kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị, phản ánh không để phát sinh thành vụ việc khiếu nại, tố cáo; những đơn tố cáo, khiếu nại, phản ánh đều được xác minh, xử lý theo đúng quy định.
Để tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ mà đồng chí Trưởng Ban đã chỉ đạo, Quyền Chánh Thanh tra Nguyễn Xuân Ánh cho rằng cần tập trung kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý ở những lĩnh vực, vị trí công tác dễ phát sinh tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, cần phải có cơ chế giám sát chéo để ngăn chặn, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm ở từng cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, chuẩn hóa các quy trình công tác trong một số lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, nhất là việc cập nhật Quy chế làm việc của từng đơn vị và CQĐD.
Nhất trí với báo cáo kết quả công tác PCTNTC của Bộ, từ thực tiễn thời gian qua, các thành viên Ban Chỉ đạo đều cho rằng trong công tác PCTNTC, trước hết phải có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban cán sự đảng, trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo của Bộ về PCTNTC; phải xác định PCTNTC là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài và phải tiến hành kiên trì, liên tục ở tất cả các đơn vị, các lĩnh vực, đồng thời phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng”, "không dám tham nhũng", "không cần tham nhũng".
Phát biểu kết luận và chỉ đạo, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo; đánh giá công tác PCTNTC của Bộ tiếp tục chuyển biến tích cực, cơ bản đi vào nền nếp, triển khai nghiêm túc, đồng bộ... Những kết quả đạt được đã góp phần duy trì ổn định nội bộ Ngành để thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại.
Với quan điểm xuyên suốt lấy phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài, Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới cần phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục quán triệt nghiêm túc các chủ trương, định hướng, quy định, hướng dẫn mới của Đảng liên quan đến công tác PCTNTC.
Trên cơ sở bám sát các chủ trương, quy định của Đảng, tiếp tục tập trung rà soát, bổ sung, sửa đổi, cập nhật các quy định, quy chế, quy trình của Bộ và các đơn vị, CQĐD, nhất là đối với các lĩnh vực, vị trí công tác dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Bộ trưởng cũng đề nghị nâng cao hiệu quả công tác, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để kịp thời ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt dư luận thông qua các kênh thông tin để phát hiện “từ sớm, từ xa” các biểu hiện, hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; xử lý kịp thời, nghiêm khắc các vi phạm, không để tích tụ thành sai phạm lớn, nghiêm trọng.
Đặc biệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo và sớm hoàn thiện, ban hành Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo.
Dẫn lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTNTC, theo đó “phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình...”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị phát huy cao độ trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu đơn vị, tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PCTNTC tại Bộ Ngoại giao, mà trước hết là ngay tại đơn vị, cơ sở.
Bộ trưởng cũng mong rằng mỗi cán bộ ngoại giao, dù ở vị trí công tác nào, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường đoàn kết, rèn luyện bản lĩnh, đạo đức, tận tâm với công việc, với phương châm từng cán bộ ngoại giao trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hiện đại sẽ tạo nên ngành Ngoại giao trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hiện đại.