📞

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024: Đầu tư tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Gia Thành 18:44 | 03/04/2024
Chiều 3/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024. Buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
Toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024. (Ảnh: Gia Thành)

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định

Tại họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; kết quả tháng 3 tốt hơn tháng 1 và tháng 2; tính chung quý I/2024, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I/2024 đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ từ 2020 đến nay (GDP quý I năm 2020 - 2023 tăng lần lượt là 3,21%; 4,85%; 5,12%; 3,41%). Trong đó cả 3 khu vực đều phát triển tốt (nông nghiệp tăng 2,98%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%; dịch vụ tăng 6,12%).

Một số địa phương có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ như Quảng Ninh tăng 39,9%; Phú Thọ tăng 27,7%; Bắc Giang tăng 24%; Thanh Hoá tăng 18,6%; Hà Nam tăng 17,9%; Ninh Thuận tăng 17,4%; Tây Ninh tăng 14,4%; Hải Dương tăng 12,8%.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm (xuất đủ nhập-xuất siêu 8,08 tỷ USD; làm đủ ăn-xuất khẩu trên 2 triệu tấn gạo, trị giá 1,37 tỷ USD; an ninh năng lượng, lương thực, cung cầu lao động được bảo đảm).

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2024 tăng 3,77%, dưới ngưỡng Quốc hội giao (4-4,5%) và thấp hơn cùng kỳ (4,18%). Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.

Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Kim ngạch XNK tháng 3 đạt 65 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và 12% so với cùng kỳ; tính chung quý I đạt 178 tỷ USD, tăng 15,5%, xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,2% so với cùng kỳ; tính chung quý I tăng 8,2%.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ (10,35%). Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% và cao nhất trong 5 năm qua.

Song song với đó, phát triển doanh nghiệp tiếp tục tăng với xu hướng tích cực. Tháng 3 có 14,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 64,3% so với tháng 2.

Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Trong quý I có 93,6% số hộ gia đình được đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Uy tín và vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.

"Năm quyết tâm", "Năm bảo đảm" và "Năm đẩy mạnh"

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần tập trung ứng phó, xử lý, khắc phục. Đơn cử như sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, lãi suất, tỷ giá còn cao; một số ngành sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét; hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao.

Đồng thời, vốn đầu tư công chưa được phân bổ hết, vẫn còn nguy cơ thiếu cát san lấp nền cho các dự án giao thông, các công trình trọng điểm; trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn và tình hình tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo qua mạng còn diễn biến phức tạp…

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm chỉ đạo điều hành và đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng với tinh thần "Năm quyết tâm", "Năm bảo đảm" và "Năm đẩy mạnh".

Trong đó, "Năm quyết tâm" là: Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức. Quyết tâm thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm "thắng không kiêu, bại không nản". Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024, nhất là thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Thực hiện tốt "5 Bảo đảm" là: Bảo đảm thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, Quốc hội, Chính phủ. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường.

Bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Tập trung thực hiện "Năm đẩy mạnh" là: Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược;

Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Khẩn trương cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp từ Trung ương đến tất cả các địa phương.