Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2021. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về nhiệm vụ trọng tâm triển khai chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và về dự thảo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.
12,1 triệu lao động đã được nhận hỗ trợ
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7/2021 và 7 tháng đầu năm 2021, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản xuất, kinh doanh 7 tháng đầu năm được duy trì dù chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, nhất là trong tháng 7/2021
Trong đó, sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định; an ninh lương thực được bảo đảm, nhất là cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu cho các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội...
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ, tính chung 7 tháng IIP tăng 7,9%...
Liên quan tới lĩnh vực lao động, việc làm, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, các ngành, các cấp, các địa phương đã tập trung, khẩn trương triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP, thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP; đơn giản hóa, rút ngắn quy trình, thủ tục xác định các nhóm đối tượng được hỗ trợ để bảo đảm kinh phí hỗ trợ đến tay thi người dân gặp khó khăn một cách nhanh nhất.
Đến nay, các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện chi trả trợ cấp cho người dân theo 12 chính sách quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP.
Trong đó, ngành bảo hiểm xã hội đã hoàn tất cả thủ tục, gửi thông báo đến 375.335 đơn vị đang sử dụng hơn 11,2 triệu lao động dừng đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thời gian miễn đóng bảo hiểm áp dụng trong 12 tháng (đến hết tháng 6/2022).
Hiện tại, đã thực hiện hỗ trợ 12,1 triệu lao động và gần 376 nghìn người sử dụng lao động với tổng kinh phí trên 5.700 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ người dân thông qua chính sách giảm giá điện, giá nước, dịch vụ viễn thông cho người dân, doanh nghiệp với quy mô khoảng trên 10.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay, dịch Covid-19 trong tháng 7 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế, nhất là các vùng, địa phương động lực, nhiều khu công nghiệp ở phía Nam. Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng tại các khu vực này bị đứt gãy, đình trệ.
Ngoài ra, sức mua trong nước và xuất khẩu giảm sút; đời sống người dân tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề.
Đặt sức khỏe người dân lên trên hết
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19; ông Trần Văn Sơn thông tin, Chính phủ coi công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất hiện nay với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
Song song với đó, cần quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 trên nguyên tắc linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. Chủ động xây dựng giải pháp khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh kéo dài.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin, hiện tại, cả nước đã tiêm được hơn 11 triệu liều vaccine trên tổng số khoảng 18 triệu liều vaccine đã cấp, chiếm khoảng 65%.
Tổng số vaccine được cấp tại TP. Hồ Chí Minh là 4.075.270 liều. Thành phố đã tiêm được 3.598.687 liều, chiếm 88,2%. Trong hôm nay 11/8 và ngày mai, Thành phố sẽ tiêm hết số vaccine được cấp, đồng thời dự kiến tiếp tục triển khai tiêm vaccine khác như Sinopharm.
Đối với TP. Hà Nội, hiện được cấp 2.944.910 liều, đã tiêm được khoảng 1 triệu rưỡi liều, chiếm khoảng trên 50%, trong thời gian tới, TP. Hà Nội cũng tăng tốc tiêm vaccine.
Để đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác, Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố lập kế hoạch cụ thể với lượng vaccine dự kiến phân bổ theo từng tháng để các tỉnh, thành phố chủ động hơn trong công tác triển khai tiêm chủng.
Bộ Y tế cũng đã có công văn đôn đốc các tỉnh, thành phố khẩn trương tiêm vaccine, không để tồn vaccine, nếu không sẽ điều chuyển cho các tỉnh khác. Qua một số văn bản như vậy thì thấy tốc độ tiêm tại các tỉnh, thành phố nhanh hơn.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: "Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là tiêm nhanh nhưng phải an toàn, bảo đảm tiêm mũi nào an toàn mũi ấy. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị, đặc biệt là các dụng cụ, thuốc men cũng như xe lưu động, các cơ sở, đặc biệt là hồi sức, cấp cứu được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng.
Thời gian tới, khi lượng vaccine về nhiều hơn, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng tốc công tác tiêm chủng, ngành y tế phối hợp với lực lượng quốc phòng, công an có thể tiêm tối đa 2 triệu mũi vaccine trong một ngày".
Tiếp tục thích nghi với điều kiện mới
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay, Thủ tướng yêu cầu, với tình hình dịch bệnh hiện diễn biến hết sức phức tạp, những hành động trong giai đoạn này mang tính quyết định đối với công tác phòng, chống và kiểm soát dịch.
Vì vậy, cần tranh thủ tối đa thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 để tập trung khoanh vùng, xét nghiệm diện rộng, xác định các F0 để có hướng xử lý phù hợp theo mô hình tháp nhiều tầng. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 86 của Chính phủ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục đẩy mạnh chiến lược vaccine; bằng mọi biện pháp để mua vaccine nhiều nhất, sớm nhất có thể.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 đã đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, có giải pháp cụ thể, rõ ràng, khả thi, hiệu quả và thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm. Khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn kết với tiêu thụ nông sản; bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.
Song song với đó, tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các kế hoạch 5 năm 2021-2025; trong đó phải có chiến lược, giải pháp hiệu quả để duy trì, phục hồi, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Ngoài ra, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh; thực hiện tốt chính sách với người có công. Có giải pháp khôi phục lao động, việc làm ngay tại những nơi có dịch theo hướng thích nghi với điều kiện mới, “vừa sản xuất, vừa chống dịch”.