BRICS muốn tạo ra một loại tiền tệ riêng biệt để thay thế đồng USD. (Nguồn: Reuters) |
USD đã trở thành đồng tiền dự trữ chính của thế giới kể từ khi kết thúc Thế chiến II và được sử dụng trong hơn 80% thương mại quốc tế.
Lời kêu gọi trên toàn cầu
Đầu năm nay, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã đặt câu hỏi: Tại sao tất cả các quốc gia phải giao dịch dựa trên đồng USD? Và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đang nỗ lực tạo ra đồng tiền riêng của mình.
Tin liên quan |
Liên tiếp báo tin xấu, kinh tế Trung Quốc 'loay hoay' với bài toán duy trì tăng trưởng |
Theo Đại sứ Nam Phi tại BRICS Anil Sooklal, mục tiêu của nhóm không phải là thay thế đồng USD mà là mang lại cho thế giới nhiều lựa chọn hơn.
Đại sứ cho rằng: “BRICS không chống phương Tây, không cạnh tranh, không chống lại USD. Điều chúng tôi phản đối là sự thống trị liên tục của USD trong các tương tác tài chính toàn cầu”.
Những lời kêu gọi trên toàn cầu về vấn đề thoát khỏi sự thống trị của đồng USD không phải là mới và không phải là duy nhất đến từ BRICS. Nhưng các chuyên gia cho rằng, những thay đổi địa chính trị gần đây và căng thẳng gia tăng giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc đã khiến những lời kêu gọi này trở nên nổi bật hơn.
Đầu năm 2022, các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối của Moscow và loại bỏ các ngân hàng lớn của nước này khỏi SWIFT.
Cuối năm ngoái, Mỹ tăng cường áp đặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc.
Shirley Ze Yu, một nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (Anh) nhận định: “Khi Mỹ ‘vũ khí hóa’ đồng USD trong các lệnh trừng phạt của Nga và Iran, các nước đang phát triển khác ngày càng mong muốn tìm kiếm các loại tiền tệ thay thế cho thương mại, đầu tư và dự trữ”.
Bên cạnh đó, theo bà Shirley Ze Yu, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất khiến các nước đang phát triển đã phải gánh chịu nhiều khó khăn khi phải trả lãi suất cao hơn cho khoản nợ bằng đồng USD và phải chống chọi với tác động tỷ giá hối đoái.
Đồng tiền chung BRICS?
Phát biểu tại hội thảo về BRICS và trật tự toàn cầu ở Johannesburg (Nam Phi), ông Gustavo de Carvalho, một nhà phân tích chính sách về quan hệ Nga-châu Phi đã đưa ra một số lựa chọn mà BRICS có thể xem xét để thay thế đồng bạc xanh. Đơn cử như sử dụng rổ tiền tệ từ các nước BRICS, vàng và tiền điện tử.
Về các lựa chọn tiền tệ khả thi, GS. Danny Bradlow tại Đại học Pretoria (Nam Phi) cho rằng, nhiều người sẽ muốn quay lại chế độ bản vị vàng và tiền điện tử là một lựa chọn khó có thể xảy ra vì chúng “thậm chí còn rủi ro hơn” USD.
Các chuyên gia cũng tỏ ra hoài nghi về việc tạo ra một loại tiền tệ BRICS riêng biệt.
Bà Shirley Ze Yu nói: “Việc tạo ra đồng tiền riêng của BRICS sẽ cần một tập hợp các thể chế. Việc xây dựng thể chế đòi hỏi một bộ tiêu chuẩn chung và các giá trị nền tảng. Đây là điều rất khó đạt được nhưng không phải là không thể”.
Còn nhà phân tích Chris Weafer của Macro-Advisory, một công ty tư vấn chiến lược tập trung vào Nga và Âu Á thì mô tả, ý tưởng về đồng tiền BRICS là “không xảy ra”.
Đồng quan điểm, GS. Bradlow cho hay, ý tưởng của nhóm là tạo ra một giải pháp thay thế cho đồng USD có vẻ hoàn toàn viển vông và phi thực tế. “Nếu có một loại tiền tệ thống nhất, các thành viên sẽ bị chi phối bởi nền kinh tế lớn nhất và mạnh nhất trong nhóm", ông Bradlow bày tỏ.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023 tổ chức tại Nam Phi từ ngày 22-24/8. (Nguồn: GCIS) |
Giao dịch bằng nội tệ
Nhà phân tích Weafer nhận thấy, trong quá trình tìm kiếm những giải pháp thay thế USD, BRICS có thể sẽ thúc đẩy việc sử dụng nhiều hơn đồng nội tệ của các thành viên trong nhóm.
Ông nói: “80% giao dịch thương mại giữa Nga và Trung Quốc được thanh toán bằng đồng Ruble hoặc Nhân dân tệ. Đất nước của Tổng thống Putin cũng đang giao dịch với Ấn Độ bằng đồng Rupee… Vì vậy, sử dụng nội tệ là một lựa chọn hợp lý”.
Không chỉ BRICS, các quốc gia khác cũng đã bắt đầu tăng cường giao dịch bằng đồng nội tệ. Tháng 7/2023, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận cho phép họ giải quyết các khoản thanh toán thương mại bằng đồng Rupee thay vì đồng USD.
Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi đồng nội tệ cũng đặt ra một thách thức mới, đó là khả năng chuyển đổi.
Ông Weafer cho rằng, các quốc gia thực hiện nhiều giao dịch thương mại cần phải dự trữ nhiều tiền tệ của các đối tác và có thể sẽ phải chuyển đổi thành tiền tệ của mình. Điều này rất khó khăn ở Ấn Độ - nơi các có biện pháp kiểm soát vốn.
Nhận định về lựa chọn này, GS. Bradlow nói, đây là chiến lược “rất đáng nghi ngại” vì đồng tiền dự trữ phải ổn định, có khả năng tiếp cận các thị trường nhanh chóng. Và ông nhận thấy: “USD thực sự là loại tiền tệ duy nhất đáp ứng đủ yêu cầu vào lúc này”.
USD vẫn là "vua"
Đối với Đại sứ Sooklal và các nhà lãnh đạo BRICS khác, lý do cơ bản cho các giải pháp thay thế đồng bạc xanh cũng tương tự như lý do thay đổi cấu trúc quản trị toàn cầu nói chung.
Đại sứ Sooklal nói: “Chúng tôi muốn sống trong một xã hội đa cực, một thế giới đa cực. Thương mại không còn bị chi phối bởi những quốc gia thống trị thương mại trong thập niên 70, 80, 90. Thời đại đó đã kết thúc. Chúng tôi không muốn bị ràng buộc với một hoặc hai loại tiền tệ".
Đại sứ Nam Phi chỉ ra rằng, hệ thống thanh toán xuyên châu Phi - một cơ sở hạ tầng xuyên biên giới để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thanh toán trực tiếp trên khắp lục địa - như một hình mẫu để các nước noi theo. Hệ thống này sẽ tiết kiệm khoảng 5 tỷ USD phí giao dịch thương mại hàng năm, khi so sánh với việc chỉ sử dụng SWIFT.
Tuy nhiên, ông Weafer khẳng định rằng: "Ngay cả khi BRICS tạo ra một loại tiền tệ chung thì nó cũng có thể chỉ hoạt động tương tự như đồng Euro - đồng tiền chiếm vị trí thứ hai trong thương mại toàn cầu và chưa thể thách thức sự thống trị của USD".
Các nhà phân tích cũng nhấn mạnh, trong tương lai gần, USD vẫn là "vua" và BRICS hay bất kỳ đất nước nào muốn "lật đổ" đồng tiền này đều phải trải qua "cuộc leo núi khó khăn".
| Bạo tay 'vung tiền' cho quân sự, ngân quỹ Ukraine bay hơn một nửa, ai sẽ thanh toán hóa đơn? Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Saudi Arabia là những nước dẫn đầu thế giới về chi tiêu quân sự. Nhưng nếu tính tỷ ... |
| 'Bom chùm' Evergrande phát nổ, thị trường bất động sản Trung Quốc lộ những vết thương khó lành Tình trạng mất khả năng thanh toán và thua lỗ đầm đìa như China Evergrande Group hiện nay khiến người ta khó hình dung về ... |
| 'Cha đẻ' của BRICS: Đừng chờ G7 thể hiện vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu, các 'cường quốc mới nổi' sẽ làm điều đó Dù phải đối mặt với những thách thức địa chính trị, các nền kinh tế mới nổi BRICS chắc chắn sẽ có tiếng nói lớn ... |
| Liên tiếp báo tin xấu, kinh tế Trung Quốc 'loay hoay' với bài toán duy trì tăng trưởng Trung Quốc từ lâu đã là động cơ tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế ... |
| Tổng thống Putin: Nga lọt top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga đã lọt top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tính theo sức mua tương đương ... |