📞

Hợp tác Á-Âu: Vượt qua khó khăn, hướng tới giai đoạn phát triển mới

Phạm Quang Hiệu 18:09 | 03/03/2022
Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) lần thứ 11 (tháng 11/2016), các nhà lãnh đạo Á-Âu đã quyết định lấy ngày 1/3 hàng năm là Ngày ASEM, ngày kỷ niệm thành lập Diễn đàn.

ASEM phát huy vai trò kết nối, tăng cường lòng tin và thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm

Kể từ khi thành lập năm 1996, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) đã không ngừng phát triển, trở thành một trong những cơ chế hợp tác liên khu vực có quy mô lớn nhất hiện nay.

Đến nay, ASEM đã quy tụ được 53 thành viên, chiếm khoảng 60% dân số, hơn 70% thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, 60% FDI thế giới, đóng góp khoảng 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu…

Với nội dung hợp tác toàn diện trải đều trên cả ba trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế - tài chính và văn hoá - xã hội, trong hơn 25 năm qua, ASEM đã khẳng định giá trị và vai trò đóng góp trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển thịnh vượng tại khu vực Á, Âu, và trên hết là nhịp cầu kết nối giữa các nền văn hóa đặc sắc cũng như thúc đẩy giao lưu của người nhân ở hai châu lục này.

Tổng quan về ASEM. (Nguồn: Bộ Ngoại giao)

Thời gian gần đây, dịch bệnh bùng phát cùng với những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực đã phần nào tác động đến hợp tác đa phương, trong đó có Diễn đàn ASEM. Nhưng lịch sử đã chứng minh, tình hình càng khó khăn, càng cần phải có sự đồng lòng, quyết tâm và hành động đa phương. Đây cũng là lúc vai trò và giá trị của các cơ chế hợp tác như ASEM cần được phát huy.

Diễn đàn ASEM là khuôn khổ hữu hiệu và phù hợp để thúc đẩy trao đổi, đối thoại giữa các thành viên, qua đó góp phần tạo dựng và củng cố lòng tin, cùng nhau tìm ra những giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để xử lý các vấn đề đang nổi lên của thế giới và khu vực. Trong đó, thiện chí và nỗ lực của các thành viên chính là chìa khóa để hợp tác ASEM sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục khẳng định và phát huy các giá trị của mình.

Trong bối cảnh đó, với bề dày hợp tác hơn một phần tư thế kỷ, vị thế của Diễn đàn và trên hết là tiềm năng và nhu cầu hợp tác vô cùng to lớn giữa các nước thành viên, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục đặt kỳ vọng về tương lai hợp tác ASEM trong thời gian tới.

Là cơ chế duy nhất kết nối giữa châu Á và châu Âu, Diễn đàn ASEM gắn kết những nền kinh tế hàng đầu thế giới, động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu; trung tâm của đổi mới sáng tạo, xu thế chủ đạo của thế kỷ XXI; đầu tàu về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh; và cái nôi của nhiều nền văn minh nhân loại.

Sức mạnh nội tại cũng như tính bổ sung của các nước thành viên ASEM chính là tiền đề quan trọng để Diễn đàn đi đầu nắm bắt và tận dụng các dòng chảy hợp tác lớn hiện nay về khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển bền vững và bao trùm, và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kỳ vọng về Tầm nhìn hợp tác mới

Để tận dụng các tiềm năng của ASEM, điều quan trọng là xây dựng một Tầm nhìn ASEM chiến lược hướng đến hợp tác toàn diện, hiệu quả, với người dân là trung tâm, là động lực và là chủ thể; kết hợp hài hoà giữa các yêu cầu trước mắt và mục tiêu lâu dài; giữa kế thừa, ổn định, đổi mới để phát triển.

Một tầm nhìn ASEM sẽ truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về một Diễn đàn có trách nhiệm và có khả năng thích ứng trong cục diện mới, đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương, đóng góp xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng và dân chủ hơn. Cùng với đó, tinh thần đối thoại, phối hợp chính sách và hành động của các thành viên ASEM có ý nghĩa then chốt.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu.

Việt Nam tiếp đóng góp chủ động, tích cực vì một ASEM năng động, gắn kết và phát triển mạnh mẽ

Là thành viên sáng lập, từ năm 1996 đến nay, Việt Nam luôn nhất quán tham gia, đóng góp hết sức mình, năng động, trách nhiệm, góp phần tạo dựng những dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của ASEM.

Chúng ta đã đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách như chủ nhà Hội nghị Cấp cao ASEM, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành, Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Á-Âu,…

Gần đây nhất, tháng 6 năm 2021, trong bối cảnh hợp tác ASEM bị gián đoạn do dịch bệnh bùng phát, Việt Nam đã chủ động đề xuất và tổ chức thành công Đối thoại chính sách cao cấp về “Tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác Á-Âu trong một thế giới đang biến đổi” tại Hà Nội, hoạt động có quy mô lớn nhất kỷ niệm 25 năm thành lập Diễn đàn.

Thực hiện chủ trương về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam luôn tích cực và chủ động trong việc tham gia đóng góp xây dựng, thúc đẩy nhiều định hướng, chiến lược hợp tác quan trọng của hợp tác ASEM cũng như đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác mới.

Theo đó, Việt Nam đã cùng các thành viên ASEM đề cao lợi ích của hòa bình, an ninh và ổn định; thúc đẩy đồng thuận chung ASEM về các vấn đề quốc tế và khu vực; đồng thời kêu gọi sự ủng hộ và hợp tác hiệu quả của ASEM trong giải quyết các vấn đề đang nổi lên như ứng phó dịch bệnh, phục hồi kinh tế, chống biến đổi khí hậu, ứng phó thiên tai.

Chúng ta đã thúc đẩy nhận thức chung và sự ủng hộ của các thành viên ASEM đối với nỗ lực của ASEAN và Việt Nam về duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và giải quyết tranh chấp tại khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như góp phần bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích về an ninh và phát triển của đất nước.

Đối với Việt Nam, 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn mới; đánh dấu bước chuyển quan trọng của hội nhập và liên kết kinh tế của Việt Nam sâu, rộng hơn, với những tầm nhìn và khát vọng mới.

Trong bối cảnh đó và trên cơ sở ý nghĩa quan trọng của các quan hệ song phương giữa Việt Nam với các thành viên ASEM đang không ngừng được đẩy mạnh và nâng tầm#_ftn1, Việt Nam sẽ tiếp tục đặt ưu tiên cao đối với hợp tác ASEM và sẵn sàng tiếp tục đồng hành cùng các thành viên ASEM thúc đẩy quan hệ đối tác Á-Âu ngày càng năng động, gắn kết, phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng của hai châu lục và toàn thế giới.


#_ftnref1 Các thành viên ASEM hiện chiếm 23 trong số 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam; đóng góp khoảng 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài, 70% giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam; là đối tác của 15 trong 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà chúng ta đã ký hoặc đang đàm phán.