📞

Hợp tác đường sắt Phần Lan - Trung Quốc: Từ thiện chí đến hành động

Lê Lam 12:48 | 13/12/2019
TGVN. Dù đi vào vận hành chưa lâu, song tuyến đường sắt nối thành phố Kouvola của Phần Lan với Tây An - thành phố lâu đời nhất của Trung Quốc gần như bị đình trệ sau gần một năm hoạt động.
Bản đồ tuyến đường sắt nối thành phố Kouvola của Phần Lan với Tây An của Trung Quốc. (Nguồn: Kouvola Innovation)

Tháng 11/2017, tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa giữa Kouvola, thành phố nằm ở phía Đông Nam Phần Lan và cố đô Tây An thuộc miền Trung Trung Quốc đã được khánh thành. Đây là một trong những tuyến huyết mạch thuộc dự án Vành đai Con đường, trị giá 1,4 tỷ USD của Bắc Kinh.

Lỗ nhưng… vẫn làm

Theo kế hoạch, mỗi tuần sẽ có một chuyến tàu đi từ quốc gia Bắc Âu tới Trung Quốc, chạy qua Nga và Kazakhstan. Với quãng đường dài 6.327km, thời gian di chuyển của mỗi chuyến tàu sẽ kéo dài từ 12-14 ngày.

Thống kê của Cơ quan Phát thanh và Truyền hình Phần Lan (Yle) cho thấy, 24 chuyến tàu đã hoạt động trên cung đường này trong năm 2018. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm hoạt động, các chuyến tàu di chuyển giữa hai quốc gia gần như đã bị đình trệ, khi năm 2019 chỉ có 3 chuyến tàu thường xuyên hoạt động, và chỉ khoảng 1/3 số toa tàu có chứa hàng hóa.

Phóng viên phụ trách chương trình Giao thông của cơ quan báo chí Yle tiết lộ rằng, lợi nhuận của tuyến đường vận chuyển hàng hóa trực tiếp từ thành phố Kouvola đến Trung Quốc hầu như chỉ dựa vào tài trợ của Bắc Kinh. Theo Bộ Giao thông Vận tải Phần Lan, đây là tình huống đầy rủi ro, do phía Trung Quốc đơn phương quyết định mức độ của các khoản tài trợ.

Chuyến tàu chở hơn 40 container hàng đầu tiên trong buổi lễ ra mắt tuyến đường sắt ở Kouvola, Phần Lan ngày 10 tháng 11 năm 2017. (Nguồn: news.cn)

Dưới sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc, Bộ Giao thông Vận tải Phần Lan cho biết, giá vận chuyển mà cường quốc Đông Bắc Á này đưa ra hiện đang thấp hơn một nửa so với giá các nhà khai thác vận tải châu Âu chi trả.

Điều này được cho là sẽ giúp Trung Quốc tăng cường quan hệ thương mại với châu Âu, vốn nằm trong ưu tiên chính sách đối ngoại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trung Quốc thắt chặt tiêu chí tài trợ

Giới phân tích nhận định, sau khi tuyến đường sắt được khánh thành, lưu lượng giao thông vận tải hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu đã bùng nổ, phần lớn xuất phát từ những đóng góp hào phóng của Nhà nước Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc sớm nhận ra rằng, Bắc Kinh đang chi trả cho các container hàng hóa rỗng vận chuyển từ nơi cách xa hàng ngàn km ở châu Âu đến các thành phố của quốc gia châu Á này. Do đó, chính quyền trung ương Bắc Kinh đã thắt chặt các quy tắc cấp vốn vào giữa năm 2018, từ đó làm chậm lưu lượng vận chuyển hàng hóa ra khỏi Kouvola.

Theo Valery Zhukin, CEO của công ty khai thác tuyến Unytrade, việc vận chuyển hàng hóa của 2018 không đến nỗi tệ, khi đã có tới 24 chuyến tàu đi về giữa Kouvola và Tây An.

Lãnh đạo thành phố Tây An và thành phố Kouvola cắt băng khánh thành tại buổi lễ. (Nguồn: kinno.fi)

Tuy nhiên, ông Valery khẳng định: “Các toa tàu không phải lúc nào cũng đầy ắp hàng. Có những chuyến tàu chỉ chứa 1/3 hoặc 1/4 toa. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh vẫn chấp nhận điều này”.

Người đứng đầu hãng vận tải Unytrade lý giải rằng, nguyên nhân chính khiến các chuyến tàu chở hàng trống rỗng là giá bột giấy giảm và tình hình kinh tế ở Trung Quốc đang xấu đi.

Nhà ga mới, thiện chí có mới?

Mặc dù các đoàn tàu đến Trung Quốc ngày một giảm đi, song các quan chức thành phố Kouvola vẫn đang xây dựng bến tàu vận tải dài nhất Phần Lan cho các đầu máy xe lửa. Việc xây dựng nhà ga đã được xác định cụ thể dựa trên lưu lượng vận chuyển hàng hóa đến châu Á.

Chi phí của dự án ước tính là 40 triệu Euro, trong đó người nộp thuế ở Kouvola đóng góp gần 30 triệu Euro. Đó là một khoản đầu tư rất lớn, nhất là khi thành phố này đang cần cắt giảm chi tiêu cho các hoạt động cơ bản trị giá khoảng 20 triệu Euro. Tình hình tài chính xấu đi thậm chí có thể khiến thành phố có nguy cơ trở thành một trong những địa phương bị khủng hoảng vì không có kinh phí tài trợ cho các hoạt động.

Tuy nhiên, các quan chức thành phố đã đổ lỗi cho phía Trung Quốc.

Simo Päivinen, Giám đốc Phát triển của thành phố Kouvola cho biết: “Phía Trung Quốc không hào hứng với dự án giao thông theo hướng này. Một chuyến tàu cần có đủ thiện chí từ cả hai phía”.

(theo Yle)