Hợp tác khoa học biển đóng góp tích cực cho việc tăng cường hợp tác và bảo vệ các lợi ích chung của các nước. (Ảnh minh họa. Nguồn: Thiennhien.net) |
Theo cách phân loại phổ biến, biển và đại dương cung cấp cho con người thức ăn, điều tiết khí hậu và giúp cung cấp các dịch vụ sinh thái cần thiết khác. Mặt khác, biển và đại dương cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ những hoạt động của con người, bao gồm việc đánh bắt cá quá mức, sự biến mất của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, quá trình nóng lên của đại dương và nước biển dâng như là kết quả trực tiếp của biến đổi khí hậu.
Trong khi môi trường biển được xem là tài sản công của nhân loại, loài người có lợi ích lớn trong việc gìn giữ và sử dụng một cách bền vững những nguồn tài nguyên và dịch vụ từ biển; và việc quản lý biển và đại dương phụ thuộc vào chính sách của các quốc gia cũng như hợp tác quốc tế.
Ngày càng có nhiều chuyên gia quan tâm đến hợp tác khoa học và theo một nhóm chuyên gia thì các hoạt động ngoại giao khoa học có thể rơi vào 3 nhóm sau: các hoạt động nhằm trực tiếp thúc đẩy các nhu cầu quốc gia của một đất nước; các hoạt động nhằm xác định các lợi ích xuyên biên giới; và các hoạt động chủ yếu nhằm đáp ứng các thách thức và nhu cầu toàn cầu[1].
Biển Đông có vị trí quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nằm trong tuyến đường biển quan trọng từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương. Ngoài vị trí địa chính trị, địa chiến lược quan trọng, Biển Đông còn gắn với môi trường sống và phát triển của một cộng đồng dân cư lớn tại khu vực.
Bên cạnh những tranh chấp chủ quyền phức tạp liên quan các bên và những thách thức trên biển khác tại đây, Biển Đông cũng đồng thời là cơ hội để các bên tăng cường hợp tác ngoại giao khoa học biển, một lĩnh vực được xem là ít nhạy cảm, được khuyến khích trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường lòng tin, giảm căng thẳng giữa các quốc gia và đóng góp tích cực cho việc tăng cường hợp tác và bảo vệ các lợi ích chung của các nước.
Trong khuôn khổ của Hội thảo quốc tế lần thứ 13 về Biển Đông vào giữa tháng 11/2021, phiên 7 với tên gọi “Thúc đẩy ngoại giao khoa học vì lợi ích chung của đại dương” được thiết kế nhằm tìm hiểu những tiến triển gần đây trong ngoại giao khoa học và hợp tác biển và đại dương cũng như những cơ hội mới được tạo ra cho sự thay đổi nhanh chóng của những tiến bộ khoa học và công nghệ để xác định các thách thức phát triển về kinh tế, con người và môi trường cũng như những nguy cơ phi truyền thống đối với sự phát triển của biển và đại dương[2]. Phiên thảo luận đã diễn ra dưới sự chủ tọa của Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Marcus Winsley và sự tham gia tích cực của một số diễn giả đến từ các khu vực khác nhau.
Các diễn giả cho rằng, Biển Đông là khu vực có sự đa dạng sinh học cần có sự gia tăng hợp tác về khoa học biển giữa các nước. Tiến sĩ Allen Chen, Viện hàn lâm Khoa học Đài Loan (Đài Loan, Trung Quốc) nêu 4 thách thức đối với đa dạng sinh học ở Biển Đông (nhất là đối với các rạn san hô, một trong những nhân tố quan trọng nhất giúp duy trì đa dạng sinh học và đảm bảo môi trường biển) là đánh bắt thủy hải sản quá mức; ô nhiễm nguồn nước; môi trường sống bị hủy hoại do các hoạt động cải tạo đảo; biến đổi khí hậu.
Theo Tiến sĩ Anastasia Telesetsky, Đại học Bách khoa California (Mỹ), hiện nay, các nỗ lực về nghiên cứu khoa học biển tại Biển Đông chủ yếu bao gồm các hoạt động của các quốc gia có biển, một vài hợp tác chung như hợp tác nghiên cứu khoa học biển giữa Việt Nam và Philippines (dựa trên Điều 123 của UNCLOS kêu gọi các nước tăng cường hợp tác tại các vùng biển nửa kín).
Đại dịch Covid-19 tạo sức ép nhất định cho các quốc gia, tổ chức quốc tế và khu vực phải chú trọng tăng cường hợp tác hơn nữa trong nhiều lĩnh vực với các bước đi thực chất, bao gồm cả trong lĩnh vực hợp tác khoa học biển. |
Hợp tác khoa học biển tại Biển Đông cũng gặp không ít thách thức. Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội bảo vệ môi trường biển, nêu một số thách thức chính như các quốc gia có nhận thức và mức độ ưu tiên khác nhau đối với hợp tác khoa học; khu vực chưa có thể chế chung về hợp tác biển; các tàu do quốc gia quản lý đang tăng cường các hoạt động khảo sát.
Tiến sĩ Telesetsky cho rằng các hoạt động nghiên cứu khoa học biển có thể gặp phải khó khăn liên quan quyền tài phán đối với tàu treo cờ của một quốc gia cụ thể (theo quy định của UNCLOS, các quốc gia có biển có quyền kiểm soát việc tiếp cận các vùng biển thuộc quyền tài phán cho các mục đích nghiên cứu khoa học biển).
Các diễn giả đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác ngoại giao khoa học biển. Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi gợi ý việc tăng cường hợp tác khoa học công nghệ biển sẽ đóng góp tích cực vào việc xây dựng lòng tin giữa các bên tranh chấp, góp phần duy trì hòa bình và hạn chế căng thẳng ở Biển Đông.
Tiến sĩ Telesetsky đưa ra một số sáng kiến như: Tất cả các quốc gia có biển tại khu vực Biển Đông thực hiện các chuyến đi chung để nghiên cứu khoa học biển; mô hình hợp tác khoa học biển có thể dựa trên mô hình của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) của NASA (trong đó các nước đều có nghĩa vụ đóng góp cho các nỗ lực nghiên cứu nghiên cứu và hợp tác khoa học một cách hòa bình); hợp tác nghiên cứu khoa học biển nên do bên thứ 3 ngoài tranh chấp điều phối để tăng tính khách quan.
Theo Tiến sĩ Allen Chen, các nước khu vực cần tăng cường hợp tác xuyên quốc gia về khoa học biển, nhất là nghiên cứu chung về hệ sinh thái san hô và biến đổi khí hậu, để đảm bảo sự phát triển bền vững tại Biển Đông.
Những đề xuất của các diễn giả (với kinh nghiệm phong phú và gắn sát với thực tiễn phát triển của Biển Đông) là những nỗ lực tích cực trong việc tăng cường hợp tác khoa học biển. Những đề xuất này cũng phù hợp với tinh thần mà Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Chính phủ các nước thành viên ASEAN và Chính phủ Trung Quốc ký kết năm 2002 đã đề cập.
Theo đó, trong khi còn chờ một sự dàn xếp toàn diện và bền vững để xử lý các tranh chấp, các bên liên quan có thể tìm kiếm hoặc tiến hành các hoạt động hợp tác, bao gồm nghiên cứu khoa học biển. Điều này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của nền ngoại giao hiện đại, khi các quốc gia, tổ chức, cá nhân ngày càng chú trọng hơn việc thúc đẩy các hợp tác cụ thể và thực chất vì sự phát triển bền vững của các quốc gia, khu vực.
Với một khu vực còn nhiều ý kiến nhiều chiều liên quan cả đến giải quyết tranh chấp và hợp tác như tại Biển Đông, để có thể đạt được triển vọng phát triển bền vững, các hợp tác chung hoặc cụ thể trong lĩnh vực ngoại giao khoa học biển cần tiếp tục chú trọng tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế (nhất là UNCLOS 1982), coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong việc thúc đẩy các hợp tác trong nội bộ và giữa khu vực với bên ngoài, đồng thời cần linh hoạt và tranh thủ các thế mạnh cũng như nhu cầu thực chất của các nước trong bối cảnh mới.
* Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.
[1] https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fmars.2021.664066/full
[2] https://scsc13.nghiencuubiendong.vn
| Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13, những điểm nhấn, đồng thuận và khác biệt Vấn đề Biển Đông xuất hiện trong nhiều chương trình nghị sự của diễn đàn, hội nghị đa phương thế giới, khu vực. Một trong ... |
| Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13: Kết quả nổi bật cả về nội dung lẫn hình thức tổ chức Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 ... |