Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh ngày 7/4 tại Mar-a-Lago (Florida) một cách yên ả, dù cho không đạt nhiều đột phá về mặt ngoại giao.
Điều này đặt ra câu hỏi về mối quan hệ kinh tế hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như việc Mỹ muốn đưa mối quan hệ này tiến đến đâu? Hiện nay, những thách thức kinh tế thực sự quan trọng trong quan hệ hai nước đang bị lơ là tại những diễn đàn kinh tế lớn, trong khi quan ngại của hầu hết người Mỹ lại tập trung vào những vấn đề thứ yếu và không quan trọng.
Tương lai kinh tế Mỹ
Các cuộc thảo luận của Mỹ về việc Trung Quốc thao túng tiền tệ thực sự không mang nhiều tính đóng góp. Khó có thể nói Trung Quốc ngày nay đang kìm giá đồng Nhân dân tệ (NDT) thấp hơn giá trị thực để tăng lợi thế cạnh tranh.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, một vài quốc gia rất quan tâm đến lượng tiền dự trữ cũng như áp đặt mức độ kiểm soát vốn nhằm đẩy mạnh đồng tiền của họ lên, trong đó có Trung Quốc.
Trung Quốc bị cho là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thâm hụt thương mại của Mỹ. (Nguồn: Foreign Policy) |
Nói một cách vĩ mô, tương lai kinh tế nước Mỹ được quyết định nhiều hơn bởi các lựa chọn chính sách tại Mỹ hơn là quan tâm quá nhiều đến chính sách của Trung Quốc. Còn những rắc rối mà Trung Quốc gây ra cho kinh tế Mỹ phần nhiều là ở tăng trưởng vượt trội và năng lực sản xuất được nâng cao đáng kể của đất nước này, thay vì do các chính sách thương mại không công bằng.
Trung Quốc đã trợ cấp xuất khẩu rất nhiều và dưới vô số hình thức. Tuy nhiên, nếu Mỹ thành công trong việc ngăn chặn trợ cấp hoặc ngăn chặn các sản phẩm được trợ cấp, khâu sản xuất sẽ được chuyển sang các quốc gia có nhân công giá rẻ khác chứ không tạo ra việc làm tốt ở Mỹ. Tương tự như vậy, việc gỡ bỏ các rào cản thương mại của Trung Quốc đối với sản phẩm do các công ty Mỹ sản xuất đúng là sẽ giúp các công ty này, nhưng chỉ một phần nhỏ sản lượng phụ sẽ được sản xuất ở Mỹ.
Chiến lược của Trung Quốc
Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới Davos vào tháng 1, trong đó ông trích dẫn cả lời của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln để vẽ lên tầm nhìn của Trung Quốc về hệ thống kinh tế toàn cầu trong thời điểm nước Mỹ đang thu mình, được coi là một phác hoạ cho một chiến lược có tính toán.
Sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của ông Tập cho thấy mong muốn kết nối Trung Quốc và châu Âu thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng và viện trợ nước ngoài. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ Tầng Châu Á (AIIB), do Trung Quốc tài trợ và là một đối thủ cạnh tranh của Ngân hàng Thế giới (WB), đã tuyên bố sẽ đầu tư trên toàn thế giới.
Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á (AIIB) (Nguồn: Citizen Daily) |
Hiện đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ Latin và châu Phi đã vượt xa đáng kể so với Mỹ, WB và các ngân hàng phát triển khu vực chủ chốt. Trong tương lai, Trung Quốc cũng sẽ sớm trở thành nước xuất khẩu hàng đầu về công nghệ năng lượng sạch.
Đầu tư này sẽ dần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô, cho phép các công ty Trung Quốc đạt được lợi thế theo quy mô, và giúp Trung Quốc tạo dựng quan hệ với nhiều nước. Mỹ đã chọn không gia nhập AIIB và hoạt động như một mỏ neo tài chính của các tổ chức Bretton Woods, gây ra tác động tiêu cực thay vì tích cực đến hợp tác toàn cầu trong vấn đề biến đổi khí hậu cũng như cắt giảm mạnh viện trợ nước ngoài. Với những động thái này, nước Mỹ đang ngày càng thụt lùi trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về uy tín và sức ảnh hưởng.