📞

Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Campuchia: Vì sự phát triển toàn diện và phồn vinh chung*

21:49 | 23/06/2012
Trong những năm qua, quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia đã có những bước phát triển tốt đẹp cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Mối quan hệ đó được vun đắp qua nhiều thế hệ và đang ngày càng phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, trong đó quan hệ kinh tế, thương mại phát triển ấn tượng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần xây dựng sự thành công quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa hai nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên.

Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng gần gũi với hơn 1.000 km đường biên giới chung và "sợi dây tự nhiên" - sông Mekong liên kết. Campuchia có 9 tỉnh biên giới giáp với 10 tỉnh của Việt Nam. Giữa 2 nước có 10 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu quốc gia, có 25 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, địa hình bằng phẳng, hệ thống kênh rạch tốt, đi lại rất thuận tiện… Đây là những điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương.

Bên cạnh những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Tại các cuộc gặp gỡ giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên đều khẳng định tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, thương mại và cam kết tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác cho tương xứng với mong muốn và tiềm năng to lớn của hai nước. Lãnh đạo cấp cao của hai nước đã nhất trí quyết tâm đưa kim ngạch thương mại hai chiều tăng gấp hai lần, đạt 5 tỷ USD vào năm 2015.

Quyết tâm và mong muốn của Lãnh đạo cấp cao hai nước đã được thể hiện bằng những hành động cụ thể. Đã có nhiều hiệp định, thỏa thuận tạo thuận lợi về kinh tế, thương mại được hai nước ký kết từ năm 1994 cho đến nay. Một số hiệp định quan trọng có thể kể đến như: Hiệp định về Hợp tác kinh tế thương mại (1994); Hiệp định về thành lập Uỷ ban Hỗn hợp về kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật (1994); Hiệp định Thương mại (1998); Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (2001); Hiệp định mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ thương mại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia (2001), Hiệp định quá cảnh hàng hóa (2008)… và gần đây nhất là Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2012-2013 được ký ngày 17/2/2012. Theo Bản thỏa thuận, Việt Nam dành thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% cho 39 mặt hàng của Campuchia chủ yếu thuộc các nhóm hàng nông sản và giầy dép, trong đó có hai mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan là lá thuốc lá khô (hạn ngạch 3.000 tấn/năm) và gạo (hạn ngạch 300.000 tấn/năm). Đổi lại, Campuchia dành thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% cho 14 mặt hàng của Việt Nam thuộc các nhóm sản phẩm sữa, chè, cà phê, túi nhựa.

Hai nước cũng đã xây dựng một số cơ chế hợp tác thường niên, trong đó có Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật; Hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia; Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Campuchia và Hội nghị về phát triển thương mại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Thông qua các cơ chế hợp tác này, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp hai nước ngày càng chặt chẽ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Với những điều kiện và nền tảng thuận lợi như vậy, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Campuchia đã có những bước tiến vượt bậc. Trong giai đoạn 2001-2011, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gần 17 lần, từ 169 triệu USD lên 2,83 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình là 32,5%/năm. Riêng năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 55,1% so với năm 2010, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 2,4 tỷ USD, tăng 55,1% và nhập khẩu từ Campuchia đạt 430 triệu USD, tăng 55,3%. Cơ cấu hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia tương đối đa dạng, với những mặt hàng có kim ngạch lớn như xăng dầu, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, vật liệu xây dựng, phân bón, dược phẩm, dụng cụ cơ khí và một số mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như mỳ ăn liền, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng. Việt Nam nhập khẩu từ Campuchia chủ yếu là 4 mặt hàng: cao su, gỗ nguyên liệu, hạt điều nguyên liệu và sắn lát.

Campuchia là một trong những thị trường diễn ra nhiều hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn của Việt Nam. Hằng năm, có từ 2 đến 4 hội chợ triển lãm hàng Việt Nam tại Campuchia. Riêng năm 2011 có các hội chợ hàng Việt Nam do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Phnom Penh (tháng 4 năm 2011), tại Battambang (tháng 11 năm 2011) và hội chợ hàng Việt Nam của Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng tổ chức tại Phnom Penh vào tháng 11 năm 2011 (trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia). Bên cạnh đó, nhiều hội chợ khác tại Campuchia cũng có doanh nghiệp Việt Nam tham gia.

Theo thống kê của Bộ Thương mại Campuchia, hiện có gần 600 công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện của Việt Nam đăng ký thành lập tại Campuchia, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như thương mại, khai khoáng, điện lực, viễn thông, công nghệ thông tin, trồng cây công nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, y tế, dịch vụ, vận tải, ngân hàng, xây dựng… Hiện có hơn 100 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đã xin phép đầu tư vào Campuchia với tổng vốn đầu tư 2,3 tỷ USD (đứng thứ 6 trong số các nước đầu tư lớn nhất), trong đó có nhiều dự án của các tập đoàn, tổng công ty lớn của Việt Nam. Campuchia đã trở thành nước đứng thứ hai trong số 50 nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam.

Bên cạnh các hoạt động hợp tác song phương, Việt Nam và Campuchia còn cùng tham gia vào nhiều khuôn khổ hợp tác khu vực như Hợp tác Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, hợp tác CLMV (gồm 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar), hợp tác ACMECS (gồm 5 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan), hợp tác Mekong - Nhật Bản, hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng, hợp tác ASEAN. Thông qua các hoạt động hợp tác này, quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước ngày càng được củng cố và tăng cường vì lợi ích của người dân mỗi nước, vì sự thịnh vượng của mỗi quốc gia cũng như vì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trong tương lai, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài", góp phần vào sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước, đưa hai nước cùng với các quốc gia ASEAN khác hình thành một cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 như mục tiêu đã đặt ra.

Nguyễn Thành BiênThứ trưởng Bộ Công Thương

* Tựa đề do Báo TG & VN đặt