📞

Hợp tác là cách tốt nhất khi bị kiện

08:10 | 22/07/2018
Đối mặt với biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần sẵn sàng tâm thế.
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang.

Đó là lời khuyên của Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu khi đối mặt với các rào cản phòng vệ thương mại của các nước.

Theo bà, đâu là những thách thức mà DN hay gặp khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài?

Xuất khẩu ngày càng nhiều và khi năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngày càng được cải thiện trên thị trường quốc tế thì chúng ta cũng cần sẵn sàng đối mặt nhiều hơn với các loại rào cản, các biện pháp khác nhau. Trong số này, hay gặp nhất là các rào cản dưới dạng các biện pháp điều tra, phòng vệ thương mại, bán phá giá, chống trợ cấp. Đây là thực tế mà DN Việt phải chấp nhận và có cách để ứng xử phù hợp.

Về bản chất, đây là những rào cản mang tính kỹ thuật và pháp lý mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ghi nhận và các nước dựa trên các quy định của WTO để tiến hành những vụ điều tra. Nói cách khác, những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp thuần túy là các biện pháp kỹ thuật và pháp lý chứ không phải câu chuyện về ngoại giao, chính trị hay những tranh cãi xung quanh việc công bằng hay không công bằng. DN Việt Nam muốn vượt qua các rào cản này một cách hiệu quả thì cũng cần ứng xử theo cách pháp lý và kỹ thuật, tức là phải tham gia tích cực vào quá trình điều tra để chứng minh, cung cấp những số liệu thực tế cho các cơ quan điều tra nhằm mang lại kết quả chính xác nhất.

Theo bà, liệu có phải có những “định kiến” nào đó với hàng Việt?

Trên thực tế, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao  rất nhiều DN Việt Nam không hề được nhận trợ cấp, không hề bán hàng giá rẻ ra nước ngoài vẫn bị áp những biện pháp phòng vệ thương mại đó?

Tôi nghĩ ở đây có một phần lý do mang tính kỹ thuật. Hiện nay, có khoảng hơn 70 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nhưng một số thị trường lớn mà Việt Nam hay bị kiện như EU, Mỹ vẫn chưa công nhận. Và do đó, trong các điều tra tính toán xác định có phá giá/có trợ cấp hay không, các số liệu thực tiễn của DN Việt Nam không được các nước điều tra sử dụng mà các nước này lại sử dụng số liệu của một DN ở một nước thứ 3 thay thế. Điều này dẫn tới câu chuyện, nhiều trường hợp, DN Việt Nam bị áp biện pháp thuế mà không phản ánh đúng thực tiễn của DN, gây bất lợi rất lớn cho DN.

Xuất khẩu ngày càng nhiều thì DN cần sẵn sàng đối mặt nhiều hơn với các loại rào cản thương mại.

Tuy nhiên, dù phải chịu biện pháp như thế nào, việc tham gia tích cực trong việc chứng minh những hoạt động thực tiễn, phối hợp với cơ quan điều tra cũng sẽ là cơ hội để DN giảm bớt thiệt hại từ những vụ kiện.

Vậy theo bà, liệu có giải pháp gì để DN tránh rơi vào tình trạng này?

Như chúng ta đều biết, phần lớn, đến hơn 99% các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp trên thế giới xuất phát từ đơn kiện của các nhà sản xuất nội địa. Các cơ quan điều tra là đơn vị nhận được các đơn kiện đó, họ là người tiến hành điều tra để xem xét có thể chấp nhận hay không chấp nhận các yêu cầu trong đơn kiện của các nhà sản xuất nội địa. Cho nên, việc có hay không có các đơn kiện phụ thuộc vào các nhà sản xuất nội địa của các nước nhập khẩu.

Tất nhiên, trước khi gửi đơn kiện, các DN nội địa có thể có những động thái như phàn nàn DN Việt bán phá giá, hay được nhận trợ cấp của Nhà nước và có thể họ tiến hành một số hoạt động nhất định. Lời khuyên của chúng tôi là DN hãy cùng với các bạn hàng ở các thị trường nhập khẩu theo dõi sát sao các động thái của nhà sản xuất nội địa, nếu có thể thì trao đổi với họ để tránh vụ kiện xảy ra.

Nếu không trao đổi được thì DN cũng cần chuẩn bị đủ hồ sơ để tham gia vụ kiện hiệu quả hơn. Trong các vụ kiện, thời hạn thường rất ngắn và những yêu cầu về kỹ thuật thường cực kỳ phức tạp. DN Việt không phải lúc nào cũng sẵn sàng cho các vụ kiện ở nước ngoài, lạ nước lạ cái như vậy, nên chuẩn bị sớm ngày nào tốt ngày đó.

Nếu các DN xuất khẩu ngay từ thời điểm hiện tại đã có hiểu biết nhất định về quy trình kiện, về thị trường mình đang xuất khẩu để có sự chuẩn bị trước về kiến thức cũng như hồ sơ, chứng từ đàng hoàng, rõ ràng thì nếu không may bị vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại, việc chứng minh cũng sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn nhiều.

DN thuộc lĩnh vực nào cần chú ý hơn tới các biện pháp phòng vệ thương mại?

Nếu nhìn vào danh sách sản phẩm DN Việt Nam bị kiện, có thể thấy không phải cứ sản phẩm xuất khẩu nhiều thì sẽ bị kiện. Tất nhiên, trong danh sách này có những sản phẩm như cá tra, cá basa, tôm chúng ta xuất khẩu nhiều, nhưng cũng có những sản phẩm mà nếu không có các vụ kiện thì mọi người sẽ không bao giờ nghĩ đến, ví dụ, như đinh ốc hay vòng xoắn của gáy sách vở. Vì vậy, rất khó đoán định sản phẩm nào dễ bị kiện.

Tuy nhiên, với những sản phẩm là thế mạnh của mình, với thị trường chiếm thị phần lớn của mình, nếu bị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp thì tác động với doanh nghiệp chắc chắn sẽ rất lớn. Vì vậy, với DN xuất khẩu nhiều thì cần đặc biệt chú ý, dù chưa bị điều tra cũng cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cho các cuộc điều tra. Bất kỳ ngành nào cũng có nguy cơ bị điều tra.

Theo quy định của WTO, với một nước có nền kinh tế đang phát triển hoặc kém phát triển, nếu lượng sản phẩm nhập khẩu vào một nước dưới 3% tổng nhập khẩu, thì sẽ không bị kiện chống bán phá giá. Tuy nhiên, cũng có quy định là nếu các nước đang phát triển thuộc diện nói trên lại có tổng nhập khẩu vào một nước trên 7% thì vẫn bị  kiện. Vì vậy, với tất cả các DN xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các mặt hàng trọng điểm, cần chuẩn bị tâm thế, theo dõi sát sao tình hình, sẵn sàng đối mặt với các vụ kiện. Tránh được là tốt nhất, nếu không tránh được thì cần tham gia một cách tích cực, hợp tác với cơ quan điều tra là cách thức duy nhất có hiệu quả để có được kết quả tốt nhất.

Xin cảm ơn bà!

(thực hiện)